So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

ĐƯỜNG ĐỜI DỐC ĐỨNG PHẦN 2: CHUYỆN TRONG TÙ - CHƯƠNG 4:CUỘC ĐỜI KHANH QUẠ VÀ SỰ HỐI HẬN MUỘN MÀNG

Ngày đăng : 08:07:48 20-11-2017
Khung cửa dọc ngang một mảnh lồng.
Bầy chim sã cánh nép bên trong
Luật giam cấm hót, cấm nhảy nhót
Lầm lỡ phận sui phải cam lòng…!
Đầu giờ chiều, cán bộ quản giáo đứng sát của “lồng” ra lệnh: 
- Đặng Văn Tính số giam 3161 chuẩn bị nội vụ chuyển trại! 
Tính là một cao thủ trong buồng giam. Hắn ngồi chiếu trên kể từ ngày vào buồng tới nay. Tiễn Tính đi rồi, buồng trưởng thông báo: Chuyển một cao thủ từ “chiếu dưới” lên “chiếu trên” thế chỗ Đặng Văn Tính và chuyển một người trong số “nhân dân” lên “chiếu dưới”. Trong số “nhân dân”, có hai đứa đều xứng đáng được cất nhắc. Cả hai đều có điều kiện gia đình tiếp tế mỗi tháng hai đến ba lần. Thằng Quý Bọ là loại có số má ngoài xã hội và cả trong tù. Tiền án, tiền sự của nó nhiều hơn tiền mặt. Nó thông thạo luật chơi và sành sỏi “văn tù”. Thằng Khanh quạ thì đã từng mãn hạn án tù chung thân rồi lại từng là một trùm xã hội đen tầm cỡ hiện nay lại tái phạm tội, mang án “không số”. Các vị “chiếu trên” qua hội ý đã công bố cho hai thằng tỷ thí, thằng nào thắng thì được cất nhắc. Quý Bọ đứng bật dậy lớn tiếng nói: 
- Xin hỏi đánh theo luật gì?
- Đánh thoải mái không cần theo luật nào. Đánh chết thì thôi! 
Nói vậy thôi chứ ai để cho chúng nó đánh nhau đến chết. Kẻ chức sắc vừa dứt lời, Khanh Quạ liền lao tới trước mặt Quý Bọ. Bỗng có tiếng quát: 
- Khoan! Hai thằng “xe” ra bám “lồng” cảnh giới. Mỗi thằng nhìn về một phía! Tất cả “nhân dân” nằm ở “mà” bên phải và ở dưới “lòng mà” chuyển hết sang “mà” bên trái, dành toàn bộ “mà” bên phải làm võ đài. 
Bọn tù lục đục tuân lệnh. Buồng trưởng cử đại ca phụ trách trật tự chỉ đạo cuộc tỷ thí. Đại ca phụ trách trật tự dẫn hai đối thủ tới giữa “mà”, phổ biến sơ bộ luật chơi, rồi lớn tiếng ra lệnh như sấm sét:
- Đấu! 
Hai thằng lao rầm vào nhau rồi bật ra, rồi lại sấn vào đấm đá như vũ bão. Qua vài phút đấm đá kịch liệt, chúng tự rời ra rồi se đài thủ thế. Xem ra không đứa nào bị trúng đòn nặng, không thấy hề hấn gì trên đầu, trên mặt và toàn thân. Khác nào hai con chó ngang sức xông vào cắn nhau túi bụi, cứ tưởng mặt mũi, đầu cổ chúng phải nát bét, ấy thế mà khi ngừng chiến chẳng con nào bị thương! Biết mình, biết người, biết đánh, biết đỡ, biết công, biết thủ, biết tránh, biết né là thế đấy! 
Chúng nhập trận đánh nhau nhiều hiệp đến gần tiếng đồng hồ thì Khanh Quạ ngã xuống “lòng mà” không dậy được. Kẻ chỉ đạo cuộc tỷ thí vội hét:
- Ngưng! 
Hắn bước tới xem tình thế Khanh Quạ. Thì ra nó bị trật khớp háng. Cuộc tỷ thí kết thúc. Buồng trưởng mời Bảo Khôi tới tham khảo ý kiến. Anh ta lớn tiếng hỏi: 
- Sư phụ cho biết đứa nào thắng? 
Không ngần ngại, Bảo Khôi chỉ vào Khanh Quạ - kẻ đang nằm dưới “lòng mà” và lớn tiếng phán rằng:
- Võ sĩ này thắng! 
Mọi người cùng ồ lên một tiếng rồi đứng sững sờ.
Bảo Khôi nói tiếp:
- Tôi xin lý giải!
Mọi người lại ồn ào đồng thanh:
- Đúng! Phải lý giải sao cho tâm phục, khẩu phục!
- Thứ nhất, Khanh Quạ bị ngã xuống “lòng mà” không phải do đòn đánh từ Quý Bọ mà do lỗi của sàn đấu. - Khôi chỉ tay vào miếng bê tông vỡ làm khuyết mép sàn “mà”. Thứ hai, Quý Bọ khi tấn công luôn chúi đầu xuống đất. Tuy nhiên Khanh Quạ lại không xuất chiêu thúc gối. Khi Quý Bọ phòng thủ thì luôn hở sườn trái mà Khanh Quạ lại không xoay người đánh trỏ hoặc bật cước đá chẻ ngang sườn. Có thể đó là một sự nhường nhịn.
Khôi vừa dứt lời Quý Bọ vội lớn tiếng phân bua:
- Tôi bị mang tật! Ba rẻ xương sườn bị gẫy, khi đóng nẹp và khâu thì bị dúm cơ, nên cứ ngửa người là lệch sang phải. Hồi nhỏ học võ tôi có tật hay cúi đầu, sư phụ của tôi phải treo cái mũ cối vào trước ngực nhưng vẫn không sửa được. 
Mọi người cười ồ lên. Khanh Quạ nhăn nhó đau đớn nhưng vẫn giơ tay xin phát biểu:
- Tôi mới bị kỷ luật cùm chân ở phòng biệt giam hai tuần liền, giờ chân vẫn tê cứng. Nếu không vì tê cứng thì Quý Bọ đã chết dưới gót chân tôi rồi.
Mọi người lại phá lên cười. Qua thẩm vấn, đại ca chỉ đạo tỷ thí công bố:
- Khanh Quạ chiến thắng!
Mọi người đồng loạt vỗ tay. Quý Bọ cúi đầu chấp thuận. Khanh Quạ vẫn nằm nhăn nhó dưới “lòng mà”. Cái ổ khớp ở háng nó lòi ra. Anh em lo lắng suy tính, nếu báo cán bộ quản giáo để chở đi bệnh viện thì rất phiền, có thể nhiều đứa sẽ bị kỷ luật. Trong lúc bối rối Bảo Khôi lên tiếng một cách tự tin:
- Để tôi chỉnh khớp cho nó!
Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên nét mặt của mấy anh phụ trách vẫn đầy vẻ lo lắng và con nghi ngờ việc nắn khớp của Bảo Khôi. Hiểu ý, Khôi nói thêm:
- Anh em yên tâm! Chắc mọi người đều biết tôi là võ sư, lương y, tiến sỹ y học. Trong tập đoàn do tôi sáng lập có cả một trường võ thuật. Chuyện trật khớp đối với võ sinh là chuyện thường ngày và quá đơn giản đối với tôi về kỹ thuật điều trị. 
Bảo Khôi chọn sáu đứa có sức khỏe và ra lệnh: Cho Khanh Quạ nằm ngửa ra, một thằng đứng đưa hai gót chân vào hai hố nách của nó, một thằng kẹp hai chân vào hai bên sườn, một thằng giữ chặt đùi lành, một thằng giữ chặt ống chân lành, một thằng tóm ống chân bên bị trật, một thằng tóm gối bên bị trật, còn Khôi nắm giữ khớp háng bị trật. Khôi dặn: 
- Khi tôi hô kéo thì hai anh tóm cái chân bị trật khớp kéo thẳng về phía gót chân, tất cả những anh còn lại có nhiệm vụ cố định toàn thân nó cho thật chắc. Sẵn sàng chưa? 
Tất cả đều đồng thanh:
- Sẵn sàng!
- Kéo! - Khôi ra lệnh. 
Khanh Quạ kêu ối. Khôi hô tiếp:
- Thôi! Chú ý, khi tôi hô “kéo” thì phải kéo từ từ liên tục, rải lực cho đều. Hướng kéo thẳng chứ không được giật, rõ chưa?
- Rõ!
Khôi dằn giọng hô:
- Ke…éo… kéo! 
Mọi người làm theo đúng ý.Khôi dùng hai bàn tay hợp với một gót chân đẩy mạnh mỏm khớp vào vị trí. Từ trong ổ khớp háng của Khanh Quạ phát ra tiếng “khục!”. Khôi đứng thẳng lên mỉm cười đắc ý: 
- Rồi! Vào rồi! 
Khôi bảo Khanh Quạ co đùi lên! Khanh Quạ từ từ rút đùi lên. Ép gối vào sát bụng. Khanh Quạ nhăn nhó kêu đau. Khôi lại ra lệnh:
- Duỗi thẳng chân ra, nằm sấp xuống! Bây giờ tất cả mọi người về chỗ của mình, giữ im lặng để tôi tập trung truyền công lực vào những huyệt quanh khớp háng cho nó! 
Mọi người răm rắp tuân thủ. Bảo Khôi ngồi kiết già, thu năng lượng từ không gian rồi dùng một ngón tay giữa đặt vào từng huyệt truyền công lực để giải tỏa sự bế tắc kinh lạc. Sau gần nửa giờ, các huyệt chính lần lượt được truyền công lực. Khôi bảo Khanh Quạ nằm ngửa ra, rút đùi lên ép gối vào bụng. Khanh Quạ thực hiện dễ dàng, hắn bật cười sung sướng: 
- Ôi! Hết đau rồi! 
Khôi ra lệnh:
- Đứng lên! 
Khanh Quạ đứng dậy đi lại bình thường. Mọi người chăm chú dõi theo và đồng loạt vỗ tay. Khanh Quạ chắp tay cúi đầu nói:
- Con cảm ơn Thầy! Cái chân này giờ còn ngon hơn trước khi trật khớp, hết đau, lại hết cả tê cứng. Xin Thầy chữa nốt chân còn lại giúp con! 
Khôi vỗ nhẹ lên vai Khanh Quạ, mỉm cười nói: 
- Được! Nhưng để sáng mai nhé. 
- Vâng ạ! 
Sau khi được chữa khỏi cả hai chân, Khanh Quạ thường lui tới bên Bảo Khôi tỉ tê tâm sự rồi xin được xoa bóp tẩm quất cho Bảo Khôi. Khanh Quạ ân cần nói:
- Thưa Thầy! Thầy bằng tuổi ông ngoại các cháu, con xin được gọi Thầy bằng ông cho tình cảm. 
Bảo Khôi âu yếm nhìn Khanh Quạ đáp: 
- Đấy là cách gọi thân thiện và trìu mến theo đúng thuần phong mỹ tục. Bố cháu nghĩ thế là phải, ông đồng ý!
Khanh Quạ đưa hai bàn tay nắm chặt tay Bảo Khôi, nét mặt rạng rỡ: 
- Con cảm ơn ông!
Bảo Khôi vui vẻ nói:
- Bây giờ bố cháu kể nốt đoạn đường đời cho ông nghe! Lý do gì người ta gọi bố cháu là Khanh Quạ? 
- Con họ tên khai sinh là Phạm Văn Khanh, sinh năm 1968, tuổi Mậu Thân. Hồi cải tạo ở trại Phú Sơn, con được cử làm đội trưởng. Trong đội có hàng trăm người. Anh nào ra gặp gia đình, khi vào mà giấu giếm đồ cấm như tiền, vàng, thuốc lá, ma túy là con biết liền. Các thầy quản giáo vẫn khen con có trực giác phán đoán khá chính xác. Đồng thời con lại hay to tiếng quát nạt anh em, nên tụi nó gọi con là “Khanh Quạ”. Ban đầu chúng nó còn gọi là “Khanh Diều Hâu”, sau rồi mới hạ cấp là “Khanh Quạ”. Gọi mãi rồi thành quen, con cũng mặc kệ, khóa sao được miệng thiên hạ.
- Không sao! - Khôi đỡ lời Khanh Quạ. - Cái tên ấy lại có vẻ yêng hùng và mang màu sắc trinh thám. Đồng thời cũng mang vẻ thân thiện, rất dễ gần và rất dân dã, hoàn toàn không có gì mang tính phỉ báng, khinh miệt hoặc mặc cảm.
* *
*
Chuyện đời tư của Khanh Quạ quá đỗi gian truân! Khanh mồ côi cha từ năm bảy tuổi. Hai năm sau, mẹ đi bước nữa, rổ rá cạp lại với một trùm xã hội đen. Ông ấy cũng đã hai đời vợ mà không có con. Sống trên đống tiền mà cả hai cô vợ trước đều bỏ đi. Tuổi đã ngoại tứ tuần, tính cách đã chín chắn hơn, ông ta tu chí làm ăn, không chơi bời sa đọa nữa… rồi lại muốn có một người vợ căn cơ để xây dựng gia đình. Dẫu tin hay không về lời hứa của ông ấy thì duyên trời đã định, người lớn đã nên vợ nên chồng thì Khanh phải gọi ông ta là dượng. Sự may mắn ban đầu đã mỉm cười với Khanh. Ông ta không cho Khanh gọi là dượng mà gọi là bố. Và ông ấy đã đem đến những tình cảm thương yêu chân tình cho Khanh và người vợ mới. Khanh được chăm sóc, ăn học như các bạn cùng lứa. Mẹ Khanh luôn chiều chuộng, vỗ về và nhắc nhở:
- Cố gắng học hành để trưởng thành con nhé! 
Nhưng sự thành đạt chẳng thể bằng cơm áo tiền bạc và cả tình thương từ nơi mất gốc về đạo đức. Bố dượng thương yêu chăm sóc Khanh với ý nguyện trả nợ cho đời. Hoàn cảnh của ông ấy cũng côi cút như Khanh và bị vùi dập cơ cực tới tận cùng. Các cụ từ xưa đã nói: “Cùng tắc biến, cực tắc phản”. Cái lý ấy cũng là nguyên nhân thui chột quãng đời non trẻ của ông ta.
Từ nhỏ ông ta mang tên là Đỗ Văn Cường, tuổi thanh niên để bộ râu xồm xoàm nên người ta gọi là Cường Râu. Cường chưa từng biết mặt bố. Mẹ bảo bố đã hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, khi ấy Cường còn nằm ngửa. Ông bà cùng anh em nội ngoại đều khuyên mẹ cố gắng chịu đựng gian khổ để thờ chồng nuôi con cũng như bao bà mẹ khác. Mẹ thương yêu nhớ nhung người đã khuất và thương Cường lắm. Cường là tình yêu thương, là niềm an ủi và là cục vàng mười của mẹ. Mẹ nguyện đứng vậy nuôi Cường ăn học bằng người. 
Thế rồi, gió đời đưa đẩy, mẹ Cường dạt vào một gia đình hào phú. Sau cải cách ruộng đất thì gia sản cạn kiệt, bố mẹ chồng lần lượt qua đời, còn chồng thì ngày càng trụy lạc, suốt ngày say xỉn. Hắn có sức hơn người nhưng không chịu làm việc gì cho ra việc. Ai có việc gì nặng nhọc thuê thì hắn làm, làm chỉ bởi cần có tiền để uống rượu. Khi cần tiền thì hắn bất chấp công việc khó khăn phức tạp và liều thân như một con thú đói mồi. Cả làng không ai có dáng vóc cao lớn và khỏe như hắn. Người ta bảo, khi hắn cày ruộng tới gần trưa, con trâu lộn chão không chịu kéo cày, hắn quát tháo rồi lắp lại chão. Lắp đi lắp lại mấy lần, con trâu vẫn phá bĩnh. Hắn nổi khùng đá một phát, con trâu mộng lăn kềnh ra, hai mắt đỏ ngầu trợn ngược lên. Từ đấy người ta gọi hắn với cái tên là Tư Trâu. 
Ngang sườn đê có một miếu, dân làng vẫn hàng ngày hương khói và đồn rằng ở đấy thờ Thần Xà linh lắm. Cạnh miếu có cây ruối cổ thụ không biết có từ đời nào. Các cụ bảy tám mươi tuổi bảo, từ nhỏ cũng đã thấy cây ruối cao to như thế. Rễ cây ruối làm nứt rạn thân đê và có thể làm vỡ đê khi lũ về. Chính quyền địa phương quyết định chặt bỏ cây ruối, nhưng cả làng, cả xã không ai dám chặt. Khi thấy món tiền công khá cao, Tư Trâu lên xã xin được chặt cây ruối. Đám trẻ bâu quanh cây ruối xem Tư Trâu trổ tài. Chúng nó bi bô kể lại rằng, mới chặt được một lúc thấy máu trên cây ruối chảy ra, Tư Trâu cũng mặc. Ông ấy xoay qua phía bên kia chặt tiếp. 
Con lợn nái nhà ông Xã đẻ được mười hai con. Thế rồi ba con bị lọt xuống rãnh cào phân và rớt xuống thùng chứa phân cao đến hai mét. Bên trên thùng người ta bắc ván làm hố xí, có một lỗ hổng đút vừa cái thúng. Phía mặt ngõ để múc phân, nước phân sình lên. Bề mặt đầy dòi bọ lúc nhúc, đua nhau phân hủy đống phân người. Làm thế nào lấy được ba con lợn con ra? Mọi người đều nghĩ đến Tư Trâu. Và quả nhiên Tư Trâu nhận mấy đồng bạc rồi chui qua lỗ hổng để múc phân, tụt xuống mức phân ngang cổ, hắn nhoài người vào phía trong túm ba con lợn bỏ vào rổ rồi bưng ra.
Có tiền Tư Trâu lại mua rượu. Có hôm chỉ cần mấy cái móng giò mà hắn cũng ngồi uống rượu từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều. Tối đến thấy xót ruột, hắn loạng choạng mò về mà không thấy phần cơm cẩn thận là hắn chửi. Hắn chửi ngoa ngoắt thậm tệ. Hắn gầm gừ làm cả xóm mất ngủ. Vợ con trái ý một chút là hắn đánh. Mẹ con Cường bao lần bươu đầu sứt trán vì hắn. 
Cường không phải là con đẻ đã đành, nhưng em Cường mới hơn một tuổi, là con của hắn mà cũng cùng cảnh ngộ. Cường sống trong hoàn cảnh nhếch nhác, áo quần rách rưới, đói rét, khổ cực. Cường thương mẹ lắm. Cường chăm lo bế em cho mẹ ra đồng cày cấy rồi kiếm con tôm, con cá tối mịt mới về. Nhưng chẳng mấy đêm được yên thân. Có hôm nửa đêm chồng mới mò về, lại gào thét, lại đánh đập, chửi bới. Cường chợt nghĩ: Giá như em bé lớn bằng mình thì hai anh em có thể cứu được mẹ. Từ đấy, Cường luôn nghĩ hết cách này đến cách khác. Buổi tối, Cường nằm phía ngoài, mẹ phải giã xong cối gạo rồi dần cám gạo xong mới phủi tay đi ngủ. Mẹ đánh thức Cường: 
- Con nằm phía trong em bé như mọi hôm kẻo ngủ say rồi lăn xuống đất.
Cường ngồi dậy, dụi mắt rồi lại nằm xuống. Mẹ lại nâng lên nhắc lại:
- Con vào nằm phía trong em bé đi.
Cường ngước lên nhìn mẹ nói:
- Mẹ nằm trong. Con nằm ngoài để bảo vệ mẹ!
Nghe rõ từng lời của con trẻ, mẹ nghẹn ngào nước mắt tuôn trào:
- Con còn bé làm sao bảo vệ được mẹ, số kiếp giời đày mẹ phải chịu thôi con ạ.
Rồi mẹ năn nỉ, Cường buộc phải nằm vào phía trong. Đêm ấy, Tư Trâu say mềm người, hắn không gọi cửa mà đạp mạnh một phát, cái cửa ọp ẹp bật tung ra. Cũng là chuyện thường nhật, mẹ con Cường vẫn nằm yên. Hắn mò vào, máy cái đèn dầu sáng lên. Thấy mâm cơm để phần hắn chỉ có mấy quả cà và bát tương, hắn gầm lên:
- Cho bố mày ăn thế này à?
Thế rồi hắn bê cả mâm bát đập xuống mặt vợ, đầu chị lại bươu lên như quả ổi. Trong lúc choáng váng thì thằng bé em thét lên, chị gượng bế con, sờ thấy trán nó tóe máu. Ba mẹ con vội vàng bế nhau chạy ra đường. Trời tối đen, gió từ mặt sông ập tới làm tóc chị rối bời. Chị không biết gọi ai, cổ nghẹn đặc kêu không ra tiếng. Thằng bé vẫn thét lên vì đau đớn. Mấy con chó của hàng xóm sủa ầm ĩ. Láng giềng cũng đã tỉnh giấc, họ đốt đuốc dẫn mẹ con chị tới nhà thương. Thằng bé được cầm máu và được khâu tám mũi trên cái trán bé xíu. Thế rồi nó héo hon gầy còm dần. Nó không chịu nổi sự tồi tệ của ông bố, lại chê mẹ nghèo khó, lại buồn vì thằng anh hèn yếu nên nó đã vĩnh viễn ra đi.
Anh em bà con và dân làng cũng khuyên răn và phỉ báng thẳng mặt Tư Trâu nhiều lần, nhưng hắn vẫn chứng nào tật nấy, lại con dày mặt ngang nhiên tằng tịu ăn nằm với mụ Phụng - một con mụ góa ở cuối làng.
Con chó mực chị mới mua được chừng mấy phiên chợ, nó ngoan ăn và sạch sẽ lắm. Nó quấn quít với cu Cường như hai người bạn. Thế mà trong lúc cu Cường đi học, mẹ thì lặn lội ngoài đồng, Tư Trâu đã bóp cổ con mực, cho vào bị rồi xách đến nhà con mụ Phụng làm thịt. Hắn tưởng không ai biết, nhưng làm sao qua mặt được láng giềng. Đi học về, mất chó, cu Cường chạy tìm khắp nơi, vào cả những nhà hàng xóm. Được biết bố dượng đã bóp chết chó rồi, Cường lặng người, lăn ra đường sụt sùi nức nở. Buổi trưa mẹ về, thương con, nước mắt giàn giụa nghẹn ngào: 
- Con ngoan nghe lời mẹ, về nhà rồi phiên chợ tới mẹ mua cho con chó khác!
Cường đành phải nghe lời mẹ nhưng cũng thừa biết mẹ làm gì có tiền mà mua con chó khác. Từ tuần trước, Cường xin mẹ năm xu mua mực viết mà chẳng có. Cường phải vào các vườn xé lá chuối khô cuộn lại bán cho bà Còm gói bánh mật, mất mấy buổi mới đủ tiền mua gói mực tím. Cường thương con mực lắm! Lúc Cường bị vấp, ngón chân cái sưng to, tím ngắt, đau tới chảy nước mắt, Cường ngồi phệt xuống xoa xoa. Con mực tất tưởi chạy lại nằm phục xuống liếm nhẹ vào chỗ đau rồi ngước nhìn Cường, lại nhìn vào chỗ đau. Nó lắc lắc cái đầu vẻ buồn rầu thương xót. Lúc Cường ăn cơm, nó đói bụng lắm nhưng chẳng dám nhìn. Nó lặng lẽ ra thềm cửa nằm dõi nhìn ra cổng, chỉ sợ ai đó tranh giành bát cơm của Cường. Nó luôn quấn quýt bên Cường. Thấy mấy đứa trẻ, nó nhăng nhẳng sủa không cho lại gần, làm như Cường là của riêng nó. Nó biết thương Cường, lo lắng buồn rầu khi Cường đau. Mỗi khi Cường về muộn, nó ra tận đường cái ngóng chờ. Nó ở với Cường tốt thế. Bây giờ mất rồi…, mua lại làm sao…!
Mẹ Cường đi làm ngày nào cũng đến tối mịt mới về. Bà con lên đồng về nhà, mẹ còn phải hái đầy nón rau dại ở bờ mương. Hôm nay lại phải dạo qua mấy nhà để vay vài bơ gạo. Cường thắp đèn học bài mà chẳng nhìn rõ chữ. Cái bụng nó cứ cồn cào làm Cường chẳng thể ngồi yên. Mong chờ mãi mẹ mới về. Nhìn thấy đùm gạo, Cường sáng mắt lên rồi giúp mẹ nấu cơm. 
Hai mẹ con vừa vào giấc ngủ thì Tư Trâu mò về. Nó lặng lẽ trút hết cả quần áo rồi lò mò đè lên thân hình khô gầy, tiều tụy của vợ. Chị giật mình tỉnh giấc. Ôi chao! Sao người hắn hôi hám lạ thường. Hắn cười hề hề, trườn người ngang qua mặt chị. Tởm lợm quá! Da thịt nó không chỉ do hôi hám hơi rượu, do mồ hôi cộm dày từng lớp lâu ngày không tắm mà còn cả cái mùi khắm lặm của đàn bà bệnh hoạn. Chị vùng dậy, nhưng đôi cánh tay như bắp cày của hắn đã ghì xuống. Chị vùng vẫy đập chân xuống giường. Cu Cường tỉnh giấc. Nó hốt hoảng trong cảnh mẹ bị hành hạ liền vùng dậy, chạy tới vách rút cái kéo giắt ở liếp cửa, nhào tới, dùng hai tay đâm thẳng vào mạng mỡ của hắn. Máu phụt đầy tay Cường. Nó rút kéo chạy ra ngoài rồi ném cái kéo xuống ao và lẩn vào bóng đêm đen kịt. Tư Trâu lăn kềnh ra đất kêu như bò rống. Chị mặc quần áo cho hắn rồi nhờ bà con khênh hắn đến nhà thương. 
Chị thản nhiên nhận tội trước mọi người là đã giết chồng vì chịu hết nổi. Người ta bắt chị lên ủy ban xã, hôm sau lại trói tay giải xuống huyện. Nhưng không thể đơn giản nhận tội thay con là được. Qua điều tra xét hỏi, chị không biết là mình đã hành hung thế nào mà nói vu vơ là đã đâm chồng bằng con dao nhọn. Thế nhưng lại không biết con dao lấy ở đâu và đâm xong thì để ở đâu. Cuối cùng chẳng thể qua mặt được nhà chức trách và phải nói thật.
Cường thương mẹ, suốt ngày thập thò trước cửa nhà giam rồi cũng bị nhốt cùng với mẹ. Tư Trâu không chết. Hắn được nhà thương chữa cho lành lặn. Bà con, gia đình, làng xóm vận động hắn kí đơn xin tha cho vợ con rồi lại được ủy ban xã xác nhận và kèm theo lời đề nghị chiếu cố vì Cường là con liệt sỹ. Được tha, mẹ con Cường về ở với bên ngoại.
* *
*
Trời mưa dầm mấy ngày liền, cây cối xõa cành ủ rũ, đường làng lầy lội, bùn sục tới cổ chân. Buổi chiều, người ta phát hiện ra Tư Trâu rúc vào chuồng bò nhà ông Quản. Nách chuồng bò có để một chuồng gà. Bò thì đang buộc ở gốc đống rơm, gà thì đã thả. Nó vào làm gì? Nó không định ăn cắp mà nằm co rúm người trong góc tối. Ở đấy đầy muỗi, gián với mùi phân súc vật hôi hám tới lộn mửa. Nó rên rỉ đến khô cả hàm răng, cặp môi cũng khô khốc. Chắc nó khát nước lắm! 
- Cho xin bát nước vào đây! 
Nhìn thấy bát nước nó lại thét lên, hai mắt trắng dã trợn ngược. Bàn tay run rẩy xua xua không uống. Vậy là nó sợ ánh sáng, sợ cả nước. Có lẽ nó bị chó điên cắn! 
- Lôi nó ra trạm y tế đi. 
Hai ba thanh niên khỏe mạnh mà không kéo nổi nó ra khỏi chuồng bò.
Nó cố ôm ghì lấy cái chân cột. Mọi người giãn ra. Cụ lang Đằng đã được mời tới. Cụ soi đèn quan sát sắc mặt rồi bắt mạch cho nó. Cụ nói: triệu chứng là bị chó điên cắn, nhưng vết thương ở bắp chân và ở bàn chân thì lại không phải là do chó cắn. Soi kỹ thì thấy có thể là vết rắn cắn. Mà vết răng to lắm, có thể là rắn cạp nong. Từ bàn chân lên đến đùi đã bị sưng phù, tím ngắt. Vậy nó không phải bị cảm mà bị nọc độc rồi! Nghe cụ lang nói, mọi người lao xao. Người thì bảo là do chó cắn. Chó cắn có khi vết thương lành rồi, sau trăm ngày mới phát bệnh, có khi gặp đám ma mới phát bệnh. Người thì bảo rắn cắn. Có người thì bảo nó giẫm phải cái đinh sắt rỉ rồi bị trùng uốn ván. Thật khó đoán. Nó thường mò mẫm đêm hôm bờ bụi, đầu đường xó chợ, biết là con gì cắn? Dù là con gì cắn thì cũng phải cáng nó tới nhà thương. Nói rồi mọi người cố gắng mãi cũng lôi được nó ra mái hiên. Nó trợn mắt ngước nhìn bà con xóm làng rồi nằm thẳng cẳng cứng như cây gỗ. Các ngón chân, ngón tay giật giật, hai mắt trợn trừng, mồm há hốc và vĩnh viễn ra đi trong đau đớn khôn cùng. Trời cho nó được hưởng dương năm mươi ba tuổi.
Sau khi gia cảnh tan nát, Cường bỏ học theo mấy đứa lang thang lên cửa khẩu Đông Hưng, Móng Cái kiếm sống. Nhờ có sức khỏe lại tinh nhanh lanh lợi, Cường đã trở thành đại ca của một nhóm bụi đời. Qua giao du với những hảo hán giang hồ bên Trung Quốc, Cường đã biết tiếng Hoa và được băng nhóm xã hội đen Trung Quốc kết nạp. Khi đã đủ lông, đủ cánh, Cường về quê thăm mẹ. Nhưng đau đớn thay, mẹ đã qua đời! Thấy Cường về, bà con, anh em mừng lắm. Trên tỉnh, người ta quan tâm xem xét cho Cường đi Liên Xô để học tập. Nhưng vì văn hóa thấp vả lại Cường cũng chẳng màng đến chuyện học hành nên thôi. Thế rồi, Cường tụ tập xây dựng một băng nhóm hoạt động bảo kê theo lối mà Cường đã từng trải. Thời bấy giờ, tên tuổi Cường Râu nổi như cồn. Bọn khai thác than thổ phỉ nể lắm. Họ tự nguyện nộp phí để được băng của Cường Râu che chở và hỗ trợ việc làm ăn. 
Khi chắp nối duyên tình với mẹ của Khanh, Cường Râu thương đứa con riêng của vợ thực tình và đã tạo điều kiện cho Khanh ăn học tử tế. Khanh đã tốt nghiệp phổ thông nhưng không thi vào đại học. “Căn bệnh xã hội” từ bố dượng đã nhiễm vào Khanh từ nhỏ. Khanh mang dòng máu lạnh, ngang tàng, lì lợm. Khi bố dượng đón thầy ở Trung Quốc sang huấn luyện cho các đàn em, ông ấy cũng cho Khanh học. Nhờ sự nhạy cảm, tinh ý bẩm sinh nên những thủ đoạn, mánh khóe và chiêu trò của bố dượng Khanh đều nắm rõ ngọn ngành. Tuy nhiên, bố dượng vẫn không hề cho phép Khanh tham gia việc gì trong băng nhóm. Ngứa nghề chịu chẳng nổi, Khanh tập hợp một số phần tử học cách kiếm ăn và không muốn ngửa tay xin tiền bố dượng. Có lần, Cường Râu thấy Khanh dắt một xe máy lạ về nhà. Tra hỏi mãi, buộc Khanh phải thú nhận: Khi đi xe đạp qua đoạn đường người ta đang sửa cầu, phải rẽ xuống đường tránh lầy lội. Có một cô bé lóng ngóng với chiếc xe Honda không qua được. Cô ấy đã nhờ Khanh dắt xe máy qua. Khanh để xe đạp cho cô ấy. Khi đẩy xe máy qua quãng đường lầy lội, Khanh nổi lòng tham liền nổ máy vọt đi. Trên tay lái xe máy có cả chiếc túi xách, trong đó có giấy tờ tùy thân và cả đăng ký xe máy cùng đồ dùng trang sức và mấy trăm ngàn đồng. Nghe nói, Cường Râu tức giận, thuận chân đá một phát theo thế “đảo sơn cước” trúng giữa ngực Khanh khiến nó ngã lăn quay. Khanh lóp ngóp đứng dậy khoanh tay xin lỗi bố. 
Cường Râu dằn giọng phỉ báng:
- Đồ chó má! Hèn hạ, hèn hạ hết mức! Mày ăn bẩn của một con bé nghèo khó. Cái xe máy là cả gia sản của gia đình người ta mà nỡ cướp đi! Mang trả ngay! 
Thế rồi Cường Râu sai đàn em dẫn Khanh lần theo địa chỉ trên giấy tờ tới tận nhà cô bé xin lỗi và trả lại xe máy. 
Khi biết việc Khanh đã tụ tập một nhóm riêng thì việc đã rồi. Chẳng thể dẹp được và càng không thể hướng nghiệp cho Khanh theo con đường làm ăn sạch sẽ, Cường Râu buộc phải vòng tay bao cả nhóm của Khanh trong băng xã hội đen của mình. Như cá gặp nước, Khanh bộc lộ đẳng cấp và kỹ xảo của mình một cách vượt trội. Khanh trình với Cường Râu những kế hoạch táo bạo mà y cùng mấy đứa đàn em đã nẩy sinh nuôi dưỡng từ lâu, có thể đã đến ngày kết quả. Thằng Cư Béo là công nhân của Công ty khai thác than Minh Vũ, nó đang được công ty cho đi học lái máy ủi. Chị dâu nó là thủ quỹ. Nó được Khanh giao cho nhiệm vụ theo dõi quy luật và cung cách công ty lĩnh tiền từ ngân hàng về để trả lương công nhân, đồng thời lập sơ đồ địa bàn mặt bằng của công ty và khu vực cất giữ tiền quỹ.
Thường công ty đi lĩnh tiền từ ngân hàng về thì đã quá trưa. Buổi chiều chỉ kịp lo chuẩn bị và sáng hôm sau mới phát lương. Tiền được cho vào tủ sắt để chỗ thủ quỹ, ở khu kế toán tài vụ trên tầng hai tại tòa nhà hành chính. Mọi chi tiết về vị trí và cung cách canh gác, đổi gác và cả tính cách của từng ông bảo vệ đã được bọn Khanh nắm rõ. Chúng chỉ chờ cơ hội khi có tiền và Cư Béo lấy được chùm chìa khóa cửa của chị dâu là sẽ đánh cắp toàn bộ số tiền lương của công ty trong đêm. Cường Râu không mặn mà lắm với hành vi trộm cắp nhưng nếu bác bỏ kế hoạch này thì chắc chắn bọn “ngựa non” sẽ lén lút qua mặt hắn để thực hiện. Hắn trầm tư chắp tay sau đít, đi đi lại lại vài vòng, rồi ngồi xuống nhận tập tư liệu và kế hoạch mà bọn Khanh đã lập. Cường Râu dằn giọng nói như ra lệnh:
- Không được lấy cắp chùm chìa khóa! Mua một bánh xà phòng, bảo thằng Cư tìm cách in hai mặt của từng chiếc chìa khóa lên mặt bánh xà phòng. 
Khanh sáng mắt ra, hồ hởi đứng dậy khoanh tay dõng dạc đáp:
- Vâng ạ!
Những chiếc chìa khóa đã được tay thợ đặc biệt khéo léo thuộc băng nhóm của Cường Râu gia công và chờ thời điểm hành động.
Để đảm bảo chắc chắn, Cường Râu trực tiếp hành động. Hắn cho Khanh và cả Cư Béo theo cùng. Từ góc tường phía đồi thông, bọn chúng vượt rào lần vào khu kế toán tài vụ. Đúng như kế hoạch, khi bảo vệ tập trung về phòng giao ca, chúng đã lẻn được lên tầng hai. Cường Râu dặn Cư đứng ở góc tường canh chừng, nếu có người đi về hướng cầu thang thì đánh động. Cường Râu cùng Khanh nhanh chóng mở được khóa hành lang và mở tiếp được phòng tài vụ. Căn phòng rộng thông ba gian, phía góc trái là phòng thủ quỹ. Thấy thuận lợi chúng mở tiếp phòng thủ quỹ và mở được luôn cả cửa tủ sắt. Mùi tiền giấy phả ra ngập mặt bố con Khanh. 
Cư Béo đứng gác, chân tay run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập nhìn theo bố con Cường Râu. Bất chợt thấy một người lên cầu thang, vừa bước tới hành lang, hắn hoảng hốt lao xuống, xô phải người đó và ông ta ngã lộn mấy vòng xuống tới chiếu nghỉ cầu thang. Thấy động, bố con Cường Râu quay ra rồi lần xuống cầu thang. Chúng lạnh gáy chợt thấy một người mặc đồng phục bảo vệ nằm nghẹo cổ bên một đống máu và đồ ăn vừa nôn ra. Mùi tanh tưởi cùng với mùi rượu nồng nặc bốc lên. Cường Râu lật ngửa ông ta ra thấy bất động, sờ tay vào không thấy thở nữa. Hắn cùng Khanh quay lại phòng thủ quỹ nhét tiền vào hai bao tải rồi mỗi người một bao vác ra tới hành lang, Cường Râu đặt bao tiền xuống, quay vào xóa bỏ mọi dấu vết và khóa tất cả các cửa. Hai bố con Cường Râu vác tải tiền xuống tầng trệt thì thấy Cư Béo đang núp ở gầm cầu thang. Cường Râu giao bao tiền cho Cư Béo rồi cùng nhau trở lại góc tường rào phía đồi thông. Kết thúc cuộc đột phá.
Dưới ánh sáng vàng vọt lờ mờ từ ngọn đèn treo trên cột điện ở đoạn đường cụt, chúng chia nhau tiền một cách vội vã và chỉ đếm theo từng cục. Cư Béo đã trấn tĩnh lại, rồi nhận một phần ba số tiền bỏ vào bao tải, sau đó lần mò về nhà. Bố con Cường Râu mang về số tiền được hơn năm trăm triệu. Cư Béo cho biết số tiền của hắn mang về được hai trăm bảy mươi triệu. Khoảng tám trăm triệu đồng ấy đã cướp đi mồ hôi công sức lao động cả tháng trời của hàng trăm người lao động và cướp đi sinh mạng của một người, đồng thời đẩy chị dâu của Cư Béo vào tù.
Cư Béo không tới trường học lái máy ủi nữa, nghe nói nó bị bệnh, hàng đêm không ngủ cứ lảm nhảm nói một mình. Cường Râu thấy không yên lòng, liền sai Khanh tới gặp Cư Béo để xác minh. 
Màn đêm đã buông xuống, gió xào xạc, hơi sương gai lạnh ngang gáy, lúc này Khanh mới triệu được Cư Béo lên xe gắn máy và chạy tới quán Gió bên bờ biển. Cư nói chủng chà chủng chẳng không đâu vào đâu. Khanh phải chốt câu chuyện bằng lời dọa nạt:
- Mày phải kín miệng đừng để lộ, nếu để bất kỳ ai biết chuyện tao sẽ giết chết!
Mới nghe vậy Cư đã hoảng loạn, vùng chạy miệng thét lớn
- Ối giời ơi! Nó giết tôi!
Khanh luống cuống rút súng bắn theo. Viên đạn nghiệt ngã xuyên thẳng vào lưng Cư. Nó ngã vật xuống. Khanh chạy lại thấy máu đẫm trên lưng, hắn lật ngửa Cư Béo, mắt Cư trợn ngược, mồm há hốc. Hắn đau đớn và ân hận bên cộng sự. Nó lấy tay khép mồm và vuốt mắt cho Cư. Chợt thấy tiếng chân người huỳnh huỵch từ nhiều phía chạy tới. Khanh gục xuống áp mặt vào Cư Béo rồi vội vã nổ máy chạy mất. Không thể giấu bố dượng, Khanh buồn rầu thuật lại sự việc với Cường Râu. Nghe xong Cường Râu trừng mắt nhìn Khanh rồi một tay bóp trán, một tay vỗ mạnh xuống mặt bàn làm bộ ly chén bật lên rớt xuống sàn vỡ tan tành. Giọng Cường Râu đanh lại rên rít từng lời:
- Mày đã tự tay đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp và cho cả sinh mệnh của hai bố con rồi...! Mày hiểu chưa?
Khanh hiểu! Nó thừa hiểu điều đó và quá ân hận về việc làm ngớ ngẩn của mình. Nó quì xuống giọng ậm ự run run:
- Con xin lỗi bố! Xin bố tha thứ cho con!
- Chẳng tha thứ thì tao bóp chết mày à? Đã vậy rồi thì hãy nghe đây! 
Khanh cúi đầu nói:
- Vâng! Con xin nghe!
- Sự vụ vừa rồi coi như mày không biết chỉ có tao và thằng Cư Béo thực hiện và cả phát súng vừa rồi cũng do tao bắn! Đưa súng đây!
- Khanh đứng dậy móc súng rồi quì xuống đưa bằng hai tay về phía Cường Râu.
Cường râu chộp lấy khẩu súng và quát :
- Xéo đi!
Cư Béo được mọi người chở tới bệnh viện. Lạ thay, nó vẫn chưa chết. Các bác sỹ đã tận tụy lấy được viên đạn từ trong lồng ngực và giúp nó dần dần bình phục. Đúng như Cường Râu đã dự đoán, công an tỉnh đã tới đọc lệnh bắt và khám nhà Cường Râu rồi lùng bắt được cả Khanh ngay trong ngày hôm đó. Cường Râu không thể chịu tội thay cho Khanh vì Cư Béo đã báo trình hết sự việc.
Cả hai bố con Cường bị án phạt tù chung thân. Cư Béo được giảm nhẹ và phải lãnh án tù bảy năm. Khanh được thụ án tại trại cải tạo Phúc Sơn. Sau mười năm cải tạo, hắn được chuyển tới trại Bình Phú. May mắn cho hắn, cán bộ quản giáo trực tiếp là thầy Hà Đình Nghị, đồng hương cùng xã với Khanh. Thầy Nghị đã ba hai tuổi, mang quân hàm đại úy nhưng lại là “tân binh” của ngành quản lý giam giữ và cải tạo. Bởi vì khi ở quân đội, thầy đã là trung úy, rồi được chuyển ngành đi học trung cấp cảnh sát. Khi tốt nghiệp, thầy được điều về trại Bình Phú làm cán bộ quản giáo. Khanh Quạ được cử làm đội trưởng đội trồng trọt. Trong đội có hơn trăm phạm nhân chuyên cày cuốc vỡ đất, cải tạo đất, sau đó bàn giao cho đội nữ phạm nhân gieo trồng hoa màu. Đội trưởng đội nữ là một cô gái cao ráo, xinh đẹp và rất duyên dáng, tên là Đào Hồng Hạnh. Hạnh mới hai mươi ba tuổi, bị án phạt mười hai năm về tội buôn bán ma túy. Mỗi tuần, đội trưởng của hai đội gặp nhau khoảng một giờ để trao đổi, bàn giao công việc dưới sự giám sát của quản giáo. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, dần dà rồi hai đứa phải lòng nhau. Tình yêu đến với chúng một cách nồng nàn và tha thiết nhưng cũng chỉ nhìn nhau qua vài thửa ruộng và chưa một lần được nắm tay nhau. 
Cơn bão số sáu tràn về với sức tàn phá mãnh liệt. Gió tát ầm ào như sóng dội từng đợt lên những mái tôn. Tới nửa đêm, nhà bếp và kho lương thực bị tốc mái, cán bộ quản giáo giao nhiệm vụ cho Khanh Quạ dẫn năm phạm nhân tới chống bão. Công việc tạm ổn, Khanh Quạ dặn dò mấy thằng đàn em rồi lội trong mưa bão lần tới trại nữ, lách vào khe cửa sổ tâm sự với Hồng Hạnh. Hạnh vui sướng tới ngây ngất cả người. Nó khẽ mở cánh cửa, hai đứa nắm chặt tay nhau, rồi áp miệng qua song sắt hôn nhau. Nụ hôn như lửa hồng dần dần chạy khắp người chúng, sưởi ấm tới từng lỗ chân lông. Ấy thế mà chỉ một tiếng động từ gót giầy cán bộ, chúng phải bật ra rồi khép nhẹ cửa sổ trong sự tiếc nuối.
Tạo hóa đã sinh ra chúng rồi không nỡ để chúng khát khao tình ái tới khô kiệt. Một cơ hội ngàn năm có một đã đến. Những ngày cận Tết Nguyên đán, trại tổ chức tát ao thu hoạch cá trong khu vực trồng hoa màu của hai đội. Tới gần mười giờ mới lắp được máy bơm, thành thử phải để máy chạy thông tầm. Thật may mắn, buổi trưa Khanh Quạ được cử trông máy bơm và bên nữ Hồng Hạnh cũng được quản giáo cử ở lại trông những đống bí chờ ô tô tới chở. Hai đứa chỉ cách nhau một mặt ao. Chúng nhìn rõ nhau tới đầu mày con mắt. Trong không gian vắng vẻ, chúng bộc lộ từng phần hiến cho nhau. Hồng Hạnh chưa một lần nhìn thấy bí mật của đàn ông. Nay tận mắt trông thấy thân thể của người yêu, mắt Hạnh đăm đăm bật ra những chớp lửa xoáy vào mục tiêu. Lửa tình rạo rực trong lòng, cổ họng như nghẹn lại. Bất giác Hạnh rùng mình co rúm người lại rồi đưa hai tay ôm mặt khóc rưng rức. Khanh Quạ vọng lời qua mặt ao an ủi. Khanh thổn thức trong lòng và thoát ra từng lời ấm áp gợi cảm, khiến Hạnh đắm đuối mê man và tê tê từng thớ thịt. Chúng dùng mắt, dùng tay và dùng lời để làm tình. Khi dục vọng tới đỉnh, cả hai đứa ngây ngất trong sự khoái lạc cực độ, hồn vía bay bổng tới mây xanh. Sau giây phúc chết lặng, cả hai nằm sõng xoài thở hổn hển.
Trong sự khát khao thèm muốn tới cháy bỏng thì chỉ bằng ánh mắt với giọng nói êm ấm, nhẹ nhàng và những lời văn gợi tình cũng giúp bọn tù thỏa mãn tình dục. Bọn con trai và cả con gái đều thổ lộ như thế.
Hạnh được ra trại trước. Hàng tháng Hạnh đều tới thăm và tiếp tế cho Khanh. Nhiều khi các thầy cô quản giáo cũng cảm thông và lờ đi cho hai đứa được ôm nhau và hôn trộm vài lần.
Sau hai mươi ba năm tù tội, Khanh Quạ được hưởng chính sách nhân đạo và khoan dung của Nhà nước. Hắn thoát án chung thân và ra tù, cũng là lúc thầy quản giáo Hà Đình Nghị nhận quyết định về hưu. Thời gian mong từng ngày thì lâu mà sao qua rồi lại nhanh thế! Hồng Hạnh lên tận cổng trại đón Khanh về. Sau đó họ trình diện gia đình và làm lễ cưới. “Mạ già ruộng ngấu”, vài tháng bụng Hạnh đã lùm lùm vượt mặt. Họ hết nỗi vui mừng nhưng rồi lại vô cùng lo lắng. Hồi còn trong trại, khi không làm chủ được mình, Khanh đã chích ma túy chung với thằng Dũng Còi. Thế rồi cuối năm ấy, Dũng Còi qua đời vì HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Được sự quan tâm giáo dục và khuyên ngăn của thầy Nghị, Khanh đã cự tuyệt ma túy. Nhưng sự ám ảnh ấy giờ lại trỗi dậy thành những cơn ác mộng.
Tới ngày sinh con, cả hai vợ chồng nơm nớp mong chờ. Bé gái ra đời mạnh khỏe, kháu khỉnh, rất dễ thương. Thời gian sau, cả hai vợ chồng cùng con bé đi xét nghiệm. Trong thời gian chờ đợi kết quả, Khanh quên ăn, mất ngủ. Nhưng may mắn đã mỉm cười với họ, cả ba phiếu xét nghiệm đều âm tính với HIV. Hai vợ chồng ôm nhau sung sướng nghẹn ngào. Trời đã tha cho gia đình nhỏ bé của họ một lần chết. 
Vợ chồng Khanh tuổi đã xế chiều lại chẳng có nghề nghiệp nên chẳng xin được việc làm. Buôn bán thì không có vốn, Khanh lại dấn thân vào con đường tội lỗi. Hắn đâm chém, giết người theo đơn đặt hàng, rồi nhận vận chuyển ma túy cho chị vợ. Cô ta chuyên buôn ma túy mà chưa một lần sa lưới pháp luật. Theo lệnh của chị vợ và anh đồng hao, Khanh chuyển ba mươi lăm bánh heroin cho bố con Điền Hổ. Hàng giao đủ, Điền Hổ đã thanh toán một phần ba số tiền, số còn lại Điền Hổ đã ba lần lỡ hẹn. Khanh Quạ điên tiết tới nhà lên đạn chĩa súng vào trán Điền Hổ. Vợ chồng Điền Hổ run sợ van xin và trả tiếp một trăm triệu đồng, số con lại xin khất năm ngày sau thanh toán.
Hôm sau, chị em Khanh Quạ nhận mật mã từ Thành Cá Sấu ở Bắc Ninh đặt mua mười bánh heroin, sau hai ngày giao nhận. Thành Cá Sấu là khách hàng mới. Nhưng nghe nói hắn là con rể của Điền Hổ, chị em Khanh Quạ ham khách đã chủ quan và nhận lời. Đúng hẹn, Khanh Quạ một mình tự lái xe Toyota bốn chỗ chở hàng cho Thành Cá Sấu. Xe vừa qua cầu Đuống chừng hai cây số thì bị chặn mặc dù không vi phạm luật giao thông. Thấy bộ phận kiểm tra không chỉ cảnh sát giao thông mà còn cả cán bộ mặc thường phục. Theo linh cảm, Khanh biết đó là cảnh sát. Khanh đưa giấy tờ xe và bằng lái cho vị cảnh sát giao thông và đi tới bốt kiểm soát. Vừa lúc ấy, một xe đò đã được cảnh sát giao thông kiểm tra xong, Khanh vội lách lên xe. Chiếc xe đò rú ga, lao vút ra tâm đường. Tới trạm đón khách, Khanh lại xuống xe và lên một xe đò khác theo hướng ngược lại. Thế là thoát. 
Ngay hôm sau, cảnh sát khám nhà Khanh và ra lệnh truy nã đặc biệt. Khanh đành từ biệt vợ con rồi lên Móng Cái vượt biên tới thành phố Bắc Hải, Trung Quốc để ẩn náu. Ở đó có nhiều mối quan hệ của bố dượng Khanh là Cường Râu nên Khanh đã được cưu mang. Tại thành phố Bắc Hải, Khanh đã tham gia băng xã hội đen, trong đó có khá nhiều tội phạm người Việt. Chúng gây án rồi trốn chạy và tụ tập nhau thành một băng nhóm bảo kê cho những người buôn bán vùng biên mậu và thực hiện những hợp đồng đâm thuê, chém mướn.
Sáu tháng sau ngày chạy trốn, Khanh cùng Vinh Trọc người Hải Phòng được cử về đất cảng để thực hiện lệnh giết Thái Báo. Hắn ta là một tướng cướp mang danh chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Quốc tế. Hợp đồng được ký với số tiền một tỷ năm trăm triệu đồng. Trùm băng nhóm đã nhận nửa số tiền, hắn chi cho Khanh và Vinh ba trăm triệu để mua hung khí và làm lộ phí. Khanh mua một khẩu AK báng gập cùng với hai băng đạn và hai khẩu K59 cùng một số đồ dùng cần thiết. Sau gần một tháng thám thính và phục kích, Khanh và Vinh mới có cơ hội tiêu diệt Thái Báo. 
Đầu tháng Chạp, Thái Báo thuê thầy địa lý từ Hồng Công về tìm long huyệt để chuyển mộ ông cố nội. Thái Báo đã tăm được vị trí nơi đặt mộ tại một thung lũng thuộc địa phận Uông Bí là quê hương của Khanh. Nơi này Khanh đã thuộc đường ngang ngõ tắt, vì thế hắn đã chọn được vị trí bắn tỉa và dễ dàng rút chạy. Điều này rất quan trọng bởi Thái Báo đã hai lần bị giết hụt, nên hắn rất thận trọng, ra khỏi nhà là có hàng chục đàn em hộ tống.
Khanh cùng Vinh lên kế hoạch rất chu đáo và nhận diện Thái Báo rất chính xác giữa đám đông. Thái Báo cùng sáu đàn em hí húi đào bới, Khanh Quạ lia mũi súng AK dõi tìm cơ hội bóp cò. Trong khoảnh khắc chuẩn bị hạ sát một sinh mệnh, dòng máu lạnh trong Khanh nóng dần lên. Quả tim tưởng như hóa đá giờ cũng rạo rực như trống thúc trong lồng ngực. Thái Báo luôn khuất sau mấy thằng đàn em. Khanh hướng đường ngắm qua khe nhỏ giữa hai cái cổ để thẳng tới mặt Thái Báo nhưng mục tiêu luôn lắc lư chuyển động. Nó lại tìm kẽ lách đường ngắm qua ngang sườn hai thằng đàn em để hướng vào ngực Thái Báo nhưng mấy lần liền đường ngắm chưa tới mục tiêu lại gập gẫy, rập rờn, lòa nhòa. Nó chợt nhận ra cặp mắt vốn mệnh danh là diều hâu của nó đã suy giảm, tuổi tác đã sang dốc bên kia của cuộc đời mà chân tay mặt mũi lúc nào cũng cảm thấy nhầy nhụa tanh tưởi bởi máu. Nó giật thót người như bị cái đinh thép đóng thẳng vào gáy. Làm sao đây? Lệnh nhận rồi! Tiền tiêu rồi! Phải giết nó! Mặc dù nó chẳng hề có giăng mắc thù hận với mình. Có rửa tay phục thiện thì cũng phải xả vụ này. Phải nổ súng! Phải chính xác tuyệt đối! Ván cờ lật ngược là hiểm họa ập vào mình. Nếu muốn chắc ăn mà quét cả băng thì sao? Ôi, cả bảy đứa sẽ đổ xuống. Chẳng chỉ là bảy sinh mạng máu chảy thành dòng mà còn bao người là bố, là mẹ, là vợ, là con… đắm trong nước mắt khổ đau oan nghiệt. Khanh Quạ ráng cân bằng tâm trạng và tìm tiếp đường ngắm rộng hơn. Vinh Hải Phòng lặng người nín thở dõi mắt nhìn mục tiêu rồi lại liếc sang nhìn Khanh, người nó nhộn nhạo như có lửa đốt.
Nó cầm lăm lăm hai khẩu súng ngắn miệng lập bập nói:
- Mày lia cả băng cho chúng nó đổ hết xuống, rồi tao lao phi tới bồi thêm cho mỗi đứa một phát “nhân đạo”! 
Khanh Quạ đưa bàn tay vuốt mồ hôi chảy thành dòng từ trán xuống mắt rồi nói:
- Không được! Chờ chút!
Chờ mãi, Thái Báo vừa đứng lên thì mấy thằng đàn em cũng nhốn nháo đứng lên. Vinh Hải Phòng chửi thề:
- Mẹ nó! Mày để tao chơi cho. Nhanh lên không bọn kiểm lâm sắp đi qua đấy!
- Rồi! Đây rồi! - Khanh căng mắt hướng vòng ngắm vào ngang người Thái Báo khi thân hình nó vừa ló ra. Pằng! pằng! - Khanh điểm xạ hai phát.
Thái Báo ngã vật xuống, mọi người xúm lại. Không thể trượt! Khanh là một thiện xạ súng ngắn và cả súng săn. Hắn còn bắn rụng cả con chim đang lượn trên không, huống hồ chỉ cách vài chục mét với thân hình cao lớn đẫy đà của Thái Báo. Khanh yên tâm là đã xong và kéo Vinh rút chạy.
Thái Báo không chết. Hắn bị một viên đạn phá nát bàn tay bên trái và một viên trúng bụng nhưng không hề hấn gì. Có người bảo rằng lúc đó hắn mặc áo tránh đạn. Người thì lại bảo rằng viên đạn thứ hai trúng vào dây lưng của nó. Việc táng mộ cố tổ phải dừng lại. Thái Báo cùng đám đàn em vội vã cuốn gói. Chúng đem cốt của cụ cố về chôn tạm tại vị trí ngay sát chỗ cũ. Thái Báo vào một cơ sở y tế sơ cứu vết thương rồi làm thủ tục chờ ngày xuất cảnh đi Singapo để chữa thương. Hắn ngày đêm nóng lòng, sốt ruột, bỏ ăn, mất ngủ, cứ như lửa cháy trong người, và rồi lại phải nhờ đến Minh Phương Tiên sinh. Sau khi nghe Thái Báo thành khẩn trình bày sự tình, Minh Phương phán rằng: Phải bồi đắp chu đáo mộ trí lại như cũ rồi nhờ pháp sư người Việt làm lễ bồi hoàn long mạch và tạ lỗi với thổ thần và vong linh. Câu chuyện riêng của Thái Báo được đám đàn em và những cộng sự thề sống thề chết là sẽ giữ kín. Nhưng làm sao kín được, “một người thì kín, chín người thì hở”. Sự vụ lộ ra từng đoạn rồi cuối cùng lộ tẩy hoàn toàn.
Số là sau cái vụ Thái Báo bị Chu Cụt Hà Thành đại náo dinh thự, rồi lại tham mưu cho việc mời Vương Thành Huệ - Quỷ Cốc tiên sinh tái thế tới để xem lý số và bố trí lại phong thủy cơ sở. Ông ta quê ở Côn Minh - Vân Nam, hiện hành đạo ở Thành Đô - Tứ Xuyên, nơi này là quê hương vợ ba của Thái Báo. Thế rồi vợ chồng Thái Báo đã mời được đích danh thầy Vương Thành Huệ về nhà. Ông thầy đã chỉ dẫn cho Thái Báo thay đổi hướng cửa phòng ngủ, phòng bếp và tư vấn cho một số yếu tố về gia trạch. Tuy nhiên vấn đề hệ trọng nhất, mang tính quyết định thịnh suy, may rủi của Thái Báo lại từ mộ trí ông cố tổ. Thầy Thành Huệ phán rằng: Ngôi mộ cụ tứ đại của Thái Báo đặt trên lưng con sư tử. Sư tử vốn là chúa sơn lâm. Tuy nhiên gò đất mang thế sư tử ấy lại ở bìa rừng vì vậy uy vũ thì có nhưng không bao quát được núi rừng. Chẳng những vậy mà sư tử lại ở thế xuất sơn, phía trước là cánh đồng tiếp đó là dân cư làng mạc chi chít, vận tới rất có thể bị sa bẫy. Trong những cháu chắt hợp với ngôi mộ này, ông thầy nhìn xoáy vào Thái Báo rồi dằn giọng: - Sẽ có thể dính vào vòng lao lý! 
Nghe thầy Vương Thành Huệ nói về quá khứ thì rất đúng, nói về tương lai thì có cơ sở. Rồi đến vấn đề mồ mả, Thái Báo thấy rợn cả gáy, trên trán thì lấm tấm mồ hôi. Thái Báo gặp các cụ lớn tuổi trong gia tộc rồi cùng tìm đến mộ cụ tứ đại. Đứng trên cao từ nhiều hướng quan sát thật kỹ thì thấy hình thù thế đất quả như vậy. Thái Báo tạ lễ thầy Thành Huệ tỏ lòng kính phục và nói:
- Thầy phán như thần, các cụ lớn tuổi trong gia tộc nhà con đều kính nể. Đã thương thì thương cho chót, gia đình chúng con trăm sự nhờ thầy tìm cách hóa giải cho! 
Thầy Thành Huệ đắc ý cười nói:
- Muốn giải cứu chuyện này thì chỉ có cách duy nhất là phải dời mộ cụ tứ đại. Mà dời đi đâu bây giờ?
- Lạy Thầy! Thầy giúp cho. Quê chúng con đồi núi, sông suối rộng lớn, xin thầy tìm cho một vị trí.
Thầy Thành Huệ trầm ngâm hồi lâu rồi nhỏ nhẹ thốt ra những lời rất thận trọng:
- Ở đây với tôi đất khách quê người, không thông thuộc địa giới. Mặt khác cũng không giấu làm chi, với tôi về lĩnh vực âm trạch, địa lý long mạch là hạn hẹp không chuyên sâu. Giá như tìm được một thầy chuyên về địa lý người Việt để kết hợp thì tốt quá.
- Thầy khiêm tốn quá! – 
Thái Báo năn nỉ:
- Chúng con hiểu tài của thầy mà. Xin thầy tận tâm giúp con! Ở đây làm gì có thầy nào. Kiếm đâu được người hơn thầy. Xin thầy giúp! Thầy chỉ bảo thế nào chúng con cũng xin nghe! 
Dùng dằng qua lại mãi rồi thầy Thành Huệ cũng nhận lời và tiến hành cùng thân chủ lo tìm kiếm long huyệt. Vất vả lăn lộn, leo trèo gần chục ngày sau mới tìm được một long mạch tụ thành thế mà thầy Côn Minh phán đó là thế: “Tam bút châu nghiên” (tức là ba cái bút lông hướng vào thỏi mực tầu). Thế này sẽ giúp cho con cháu học hành đỗ đạt cao và thăng quan tiến chức.
Chỉ dừng lại ở đó rồi thầy Thành Huệ từ giã về Trung Quốc.
Công việc còn mù mờ như vậy thì làm sao dám dời mộ. Vợ chồng Thái Báo kỳ công thông qua nhiều mối quan hệ rồi tìm được ông thầy chuyên về địa lý ở Quảng Châu, Trung Quốc. Qua lại nhiều lần tốn kém và năn nỉ mãi rồi Thái Báo cũng mời được thầy Quảng Châu về lo việc mộ trí. Ông thầy Quảng Châu tấm tắc khen nhận xét và phán đoán của thầy Côn Minh về vị trí cũ ngôi mộ nhưng qua thăm long huyệt mới thì lại giật mình thất kinh về sự sai lầm chết người của ông ta. Thật may mắn cho gia tộc nhà Thái Báo! Nếu đặt mộ cụ tứ đại vào đó thì rồi sẽ chết tiệt tộc. Bởi đây không phải là thế “Tam bút châu nghiên” mà là thế “Tam giáo châu trư” (tức là ba mũi giáo chĩa vào một con lợn). Thầy Quảng Châu lẩm bẩm nói một mình:
- Tạo hóa vẽ ra những nét “Phúc”, “Họa” lại sát nhau đến thế!
Sau sự bàng hoàng của gia tộc, Thái Báo rồi cũng nhận ra rằng long mạch chẳng phải trò đùa. Hắn cùng các bậc cha chú cảm ơn thầy Quảng Châu và xin thầy nán lại thời gian tìm long mạch để dời ngôi mộ cụ tứ đại. 
Đã một tuần vất vả, Thái Báo phải thuê người địa phương dắt ngựa để thầy Quảng Châu cưỡi trên nhiều cung đường. Đã mất công từng ấy ngày, thầy Quảng Châu đã hạ quyết tâm và cố gắng leo lên đỉnh núi cao để nhìn xuống tìm kiếm nhưng cũng không kết quả. Những ngày sau đó phải tổ chức tiếp tế nấu nướng ăn trong rừng và căng lều trại ngủ trong núi. Thái Báo cũng đã thấm mệt nói với thầy Quảng Châu:
- Nếu khó kiếm quá thì xin Thầy chọn một vị trí mong sao gia đình được bình an, vui khỏe! 
Thầy Quảng Châu cũng đã nghĩ tới điều đó. Qua ngày thứ mười một, khi hoàng hôn buông xuống, những tia nắng mềm mại đan lên vòm lá lập lờ ép mình dưới gió, thầy Quảng Châu đăm đắm nhìn theo vạt rừng và mừng rỡ phát hiện ra long mạch lượn xuống dưới thung lũng nhỏ. Qua một đêm ngủ ngon lành trong lều trại, bình minh vừa rạng, thầy đi tới mấy hướng để xem lại và đã xác định được một vị trí theo thế “Hồ điệp”. Thế này sẽ giúp thân chủ an nhàn, vui khỏe, con cháu xinh đẹp, thanh tú. Nghe thầy phán vậy, Thái Báo cùng mọi người đều chấp thuận với thế long mạch này. Thật éo le, khi phân kim đặt mộ và cho người đào đất thì bị vướng đá. Thầy ra lệnh đào tiếp để bẩy đá lên. Hòn đá lộ dần, kích thước phiến đá chỉ bằng góc mặt bàn, có mấy chữ Hán khắc trên mặt. Thầy Quảng Châu nhìn thấy, thất vọng lắc đầu nói:
- Không được! Không được rồi! Đây là ngôi mộ trí của trưởng một chi tộc.
Ông thầy bước lên, đi đi lại lại, lẩm bẩm một mình:
- Quả như lời tổ thầy dạy: “Trên tích đức, hậu tầm long”. Nếu trước đó không tích đức thì việc tìm long mạch chỉ uổng phí công phu mà thôi! 
Thầy bảo Thái Báo:
- Cho đắp lại như cũ rồi đích thân thầy đặt lễ thắp nhang khấn vái tạ lỗi với vong linh trưởng chi tộc. 
Chẳng cần nói gì thêm, mọi người đều hiểu rằng ý đồ không thành và thầy Quảng Châu đã chịu thua. Thái Báo bàn với thành viên nội tộc rồi tới thưa với thầy Quảng Châu: 
- Thầy cũng đã tận tâm tận lực nhưng sự việc lại dẫn đến như thế xin thầy chỉ giáo nên giải quyết thế nào. 
Thầy Quảng châu đáp:
- Nếu như chỉ cần một vị trí an lành, tốt xấu là lệ thuộc vào phúc đức thì rất dễ kiếm, tôi sẽ chỉ những vị trí để gia đình lựa. 
Thế rồi linh cốt của cụ tứ đại cũng đã được an nghỉ.
Tuy nhiên sau mấy ngày cay cú suy tính, Thái Báo nảy sinh một quyết định tàn bạo. Hắn gọi mấy thằng đàn em trung thành nhất đến, bí mật bàn bạc. Chúng tính chuyện tiếp tục moi hòn đá ở ngôi mộ ông trưởng chi tộc lên rồi bốc hài cốt chuyển ra chỗ khác, sau đó đặt hài cốt ông tứ đại của Thái Báo vào. Thế rồi hòn đá chưa được moi lên thì Thái Báo đã bị vỡ nát bàn tay bởi viên đạn từ nòng súng của Khanh Quạ phóng tới.
Tags:
Giỏ hàng của tôi (0)