So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

KÊ ĐƠN THUỐC THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Ngày đăng : 08:03:42 18-05-2018
Thầy thuốc Ưu tú, Lương y Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai
(Dành cho Đồng đạo cùng quý vị và các bạn yêu thích Y học cổ truyền)
Hiện nay rất nhiều người hành nghề theo Y học cổ truyền đã “bỏ rơi” phương pháp xây dựng một bài thuốc chữa bệnh mà chỉ đơn giản là dùng một loại dược liệu để chữa bệnh. Chả những thế còn “Tây hóa” chiết xuất thành phần nào đó trong một loại dược liệu để chế thành thương phẩm. Như thế có hoàn hảo không và có đủ năng lực chữa bệnh không ? 


 


Mỗi loại dược liệu đều có tính dược và công dụng rõ ràng. Tuy nhiên y học cổ truyền dường như không sử dụng một loại dược liệu để chữa bệnh mà luôn phối hợp nhiều loại thành một bài thuốc. Phương pháp thiết lập bài thuốc của tổ tiên chúng ta theo quy trình và nguyên tắc như sau:
1. Nguyên tắc kê đơn thuốc:
Dựa trên những cơ sở phương pháp luận được tóm tắt như sau:
Căn cứ vào kết quả chẩn đoán bệnh thông qua tứ chẩn: “vọng”, “văn”, “vấn”, “thiết”, có thể tham khảo kết quả xét nghiệm, chụp chiếu (cận lâm sàng), rồi căn cứ vào bát cương (tám cương lĩnh trong luận trị). Thế rồi căn cứ vào tính dược của các vị thuốc, phương pháp phối ngũ giữa các vị thuốc và căn cứ vào sự tương ố (sự ghét nhau giữa các vị thuốc), tương uý (sự sợ nhau giữa các vị thuốc), tương kỵ (sự kỵ nhau giữa các vị thuốc), tương phản (sự phản nhau giữa các vị thuốc) để biện chứng và kê đơn thuốc. Phương pháp kê đơn thuốc như trên gọi là: “Biện chứng lập phương” (tức là căn cứ theo chứng bệnh rồi dựa trên cơ sở trình độ, kiến thức y dược của mình mà xây dựng phương thuốc điều trị).
Đối với bệnh nhân có nhiều chứng bệnh thì thường là kê đơn chữa bệnh chính mang tính nguy cấp trước, rồi lần lượt chữa các chứng bệnh còn lại. Với thầy thuốc cao tay, giàu kinh nghiệm có thể dùng biện pháp “xuyên phương” (sử dụng nhiều phương thành một phương tổng hợp) để điều trị tổng thể.
Nếu người thầy thuốc không đủ năng lực về kiến thức y dược để thực hiện phương pháp “biện chứng lập phương” thì có thể dùng các bài thuốc lập thành sẵn có, liệt kê trong sách, thường gọi là các bài thuốc “cổ phương”; hoặc dựa vào bài thuốc kinh nghiệm có sẵn của người khác đã được thông qua nhiều lần điều trị có kết quả; sau đó thêm bớt một số vị thuốc cho phù hợp với thể trạng hiện tại của bệnh nhân (việc thêm bớt phải tránh sự tương ố, tương uý, tương kỵ, tương phản giữa các vị thuốc).
Trong sách Dược lý đã có danh mục “Thập cửu uý”, “Thập bát phản” (tức là 19 cặp vị thuốc sợ nhau và 18 cặp vị thuốc phản nhau). Nếu trong một thang thuốc có các vị tương uý, tương phản thì không có hiệu nghiệm và có thể gây tai biến cho bệnh nhân.
Nếu không có năng lực phân biệt sự tương kỵ, tương phản,... của các vị thuốc thì lập lại nguyên vẹn bài thuốc có sẵn. 
2. Vai trò của các vị thuốc trong đơn thuốc (Quân, Thần, Tá, Sứ)
Đơn thuốc được thiết lập với những mục đích như sau:
- Giải quyết những triệu chứng chính, những triệu chứng thuộc về nguyên nhân gây bệnh, những triệu chứng do tạng bệnh thể hiện.
- Giải quyết những triệu chứng phụ, những triệu chứng do tạng phủ có quan hệ (biểu lý hoặc ngũ hành) với tạng phủ bị bệnh thể hiện.
- Tăng hoạt tính của vị thuốc chính.
- Đưa các vị thuốc chính đến tạng phủ, kinh lạc bị bệnh. Điều hòa tính năng của các vị thuốc.
Những vị thuốc trong một bài thuốc tựa như những nhân sự phối hợp để giải quyết công việc và có mang nhiệm vụ, cấp chức cụ thể như sau:
- Quân (Chủ dược): Là đầu vị trong bài thuốc dùng để chữa triệu chứng chính, do nguyên nhân bệnh gây ra, do tạng bệnh thể hiện.
- Thần (Phó dược): Là những vị thuốc có tác dụng tăng uy lực và hỗ trợ cho chủ dược.
- Tá (Tá dược): Là những vị thuốc để chữa các triệu chứng phụ hoặc ức chế độc tính quá mạnh của chủ dược.
- Sứ (Dẫn dược): Là những vị thuốc có nhiệm vụ đưa dược chất của cả bài thuốc đến tạng phủ bị bệnh hoặc điều hòa các vị thuốc trong cả bài thuốc.
Quân, Thần, Tá, Sứ là cách nói của người xưa dưới chế độ phong kiến. Coi triều đình có Vua đứng đầu rồi đến Quần thần trợ lực cho Vua đến Quan lại giải quyết công việc địa phương rồi đến sứ giả và hộ giá tiền trạm dẫn đường, rước vua vi hành.
Lấy bài thuốc: Ma hoàng thang làm ví dụ: 
Đây là bài thuốc dùng chữa chứng cảm mạo phong hàn với các triệu chứng phát sốt, sợ lạnh, không có mồ hôi, ngạt mũi, thở khò khè, đau đầu, cứng gáy, đau nhức các khớp.
- Ma hoàng: Cay ấm vào Phế, có tác dụng phát hãn, bình suyễn. Do phong hàn phạm Phế, làm cho Phế khí bất tuyên thông, bất túc giáng nên có triệu chứng phát sốt, không có mồ hôi, thở suyễn, ngạt mũi. Vì vậy, Ma hoàng làm chủ dược (đó là Quân)
- Quế chi: Cay ấm vào Phế, Bàng quang, có tác dụng ôn kinh chỉ thống và lại phát tán phong hàn. Do phong hàn tà làm bế tắc kinh lạc mà gây thành chứng đau đầu, cứng gáy, đau nhức các khớp xương. Quế chi tăng cường sức mạnh cho Ma hoàng lại đả thông kinh mạch hỗ trợ cho Ma hoàng phát hãn Vì vậy Quế chi là phó dược (đó làThần).
- Hạnh nhân: Đắng ấm vào Phế, Đại trường, vừa có tác dụng chữa ho, hen do phong hàn ngăn trở Phế khí chữa thở suyễn giải quyết các chứng phụ của Cảm mạo vì vậy giữ vai trò làm Tá (đó là Tá dược)
- Cam thảo: Vị ngọt đi vào 12 kinh, có tác dụng điều hòa và giảm bớt tính công phạt của Ma hoàng đồng thời dẫn dược chất tới vùng bệnh nên là dẫn dược ( đó là Sứ)
Các vị thuốc thường được dùng làm sứ để đưa dược chất của bài thuốc tới các kinh, các tạng phủ và những nơi có bệnh như sau:
- Phòng phong và Khương hoạt dẫn vào Kinh Thái dương.
- Thăng ma, Cát căn và Bạch chỉ dẫn vào Kinh Dương minh .
- Sài hồ dẫn vào Kinh Thiếu dương.
- Thương truật dẫn vào Kinh Thái âm.
- Độc hoạt dẫn vào Kinh Thiếu âm.
- Tế tân, Xuyên khung và Thanh bì dẫn vào Kinh Quyết âm .
- Cát cánh dẫn lên Yết hầu.
- Tang chi dẫn ra hai tay.
- Ngưu tất dẫn xuống hai chân.
Ngoài ra còn sử dụng biện pháp sao tẩm để dẫn dược chất ví dụ như phương pháp chế Hương phụ:
Hương phụ làm sạch, sấy khô rồi xay thô sau đó tẩm ướp một trong các chất sau đây sau đó sao khô sẽ có tác dụng dẫn dược :- Tẩm nước muối để dẫn dược chất vào thận.
- Tẩm giấm để dẫn dược chất vào gan
- Tẩm nước gừng để dẫn dược chất vào phổi
- Tẩm nước mật để dẫn dược chất vào tỳ
- Tẩm nước đồng tiểu để dẫn dược chất vào Tim và huyết… 
3. Những yếu tố ảnh hưởng đến vị trí của vị thuốc trong bài thuốc
Trong thực tế điều trị thầy thuốc còn phải chú ý đến những nguyên tắc sau đây để quyết định vị trí của từng vị thuốc trong bài thuốc (Nguyên tắc : Tiêu bản hoãn cấp).
- Cấp thì trị Tiêu: 
Ví dụ: Tiêu chảy ra máu cấp tính do Thấp nhiệt làm bức huyết ở Đại trường thì thuốc nào cầm máu sẽ làm Quân, thuốc nào quy kinh Đại trường mà thanh nhiệt trừ thấp sẽ làm Thần.
- Hoãn thì trị Bản: 
Ví dụ: Thường xuyên đại tiện ra máu do Tỳ dương hư không thống nhiếp huyết, bệnh không cấp tính thì thuốc kiện Tỳ làm Quân, thuốc cầm máu thì làm Thần.
- Chú ý đến trạng thái Hư, Thực 
+ Nếu người có bẩm tố dương hư mà cảm mạo thương hàn thì thuốc bổ dương khí làm Quân, mà thuốc phát tán phong hàn sẽ làm Thần.
- Chú ý đến phương pháp Khai nạp (Đóng Mở) trong điều trị
+ Nếu người có chứng âm hư sinh nội nhiệt thì thuốc bổ âm làm Quân và thuốc tiết nhiệt sẽ làm Thần.
+ Hoặc ở bệnh tiêu chảy và tiểu ít thì thuốc cầm tiêu chảy làm Quân và thuốc lợi niệu làm Thần (lợi niệu để chỉ tả)
- Chú ý đến giai đoạn bệnh (dành cho các bệnh truyền nhiễm)
+ Ở giai đoạn khởi phát thì tà khí ở phần Vệ, nên các thuốc có tác dụng phát hãn làm Quân.
+ Ở giai đoạn toàn phát tà khí và chính khí đấu tranh quyết liệt, lúc đó phải giữ vững chính khí trừ tà khí, thì thuốc bổ chính khí làm Quân, thuốc trừ tà khí làm Thần.
+ Ở giai đoạn hồi phục thì chính khí bị hao tổn, do đó thuốc bổ chính khí làm Quân.
3. Sự phối hợp các vị thuốc trong một đơn thuốc
Mục đích của sự phối ngũ các vị thuốc là để tăng tác dụng, tăng hiệu quả các vị chủ dược, để giảm tác dụng phụ, giảm độc tính các vị thuốc nhất là chủ dược, và sau cùng là để tránh làm mất hiệu quả thuốc hoặc làm tăng độc tính. 
Những phối ngũ căn bản như sau:
- Tương tu: Hai vị thuốc có cùng tác dụng hổ trợ kết quả cho nhau. Ví dụ: Ma hoàng và Quế chi cùng tính vị cay ấm, cùng tính năng phát tán phong hàn 
- Tương sử: Hai vị thuốc trở lên, tác dụng có khi khác nhau, một thứ chính, một thứ phụ, dùng để nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Ví dụ: trong bài Ma hoàng thang có Ma hoàng và Hạnh nhân, Ma hoàng là phát tán phong hàn để tuyên thông Phế khí; Hạnh nhân chữa ho, trừ đờm cũng để tuyên thông Phế khí. Cả hai cùng phối hợp nhau để chữa hen.
Tương tu và Tương sử được xem như là cách phối hợp để làm hiệu quả điều trị cao hơn . Thường dùng cho các thuốc làm quân, làm thần.
- Tương úy: là sử dụng một loại thuốc để làm giảm tác dụng phụ của một vị thuốc khác.
+ Lưu huỳnh úy Phác tiêu.
+ Thủy ngân úy Phê sương.
+ Lang độc úy Mật đà tăng.
+ Ba đậu úy Kiên ngưu.
+ Đinh hương úy Uất kim.
+ Nha tiêu úy Tam lăng.
+ Ô đầu úy Tê giác.
+ Nhâm sâm úy Ngũ linh chi.
+ Nhục quế úy Xích thạch chi
- Tương sát: Là sử dụng một loại thuốc để làm giảm độc tính của một số vị thuốc khác. Ví dụ Đậu xanh với Ba đậu.
Tương úy và Tương sát thường dùng cho các thuốc làm Tá dược hoặc Sứ dược. Ví dụ Cam thảo trong bài Ma hoàng thang.
- Tương ố: Việc sử dụng một loại thuốc này sẽ làm mất tác dụng của một số thuốc khác. Ví dụ Hoàng cầm dùng chung với Sinh khương.
- Tương phản: sử dụng một số thuốc sẽ làm tăng độc tính một vị thuốc khác. Ví dụ Ô đầu dùng chung với Bán hạ. Cam thảo dùng chung với Cam toại hoặc Hải tảo hoặc Nguyên hoa (Trong một bài thuốc có các vị tương phản sẽ làm bài thuốc trở nên nguy hiểm có thể gây tử vong…!)
Tương ố và Tương phản thường để nói lên sự cấm kỵ trong khi kê đơn thuốc.
4. Sự cấm kỵ trong khi dùng thuốc
- Phụ nữ đang mang thai cấm dùng
+ Ba đậu (tả hạ).
+ Kiên ngưu, Đại kích, Thương lục (trục thủy).
+ Tam thất (hoạt huyết).
+ Xạ hương (phá khí).
+ Nga truật, Thủy điệt, Manh trùng (phá huyết).
- Phụ nữ đang mang thai, thận trọng khi dùng:
+ Đào nhân, Hồng hoa (hoạt huyết).
+ Bán hạ, Đại hoàng (tả hạ).
+ Chỉ thực (phá khí).
+ Phụ tử, Can khương, Nhục quế (đại nhiệt).
- Các vị thuốc tương phản với nhau
+ Cam thảo phản Cam toại, Nguyên hoa, Hải tảo.
+ Ô đầu phản Bối mẫu, Bán hạ, Bạch cập, Bạch liễm.
+ Lê lô phản Sâm, Tế tân, Bạch thược.
- Cấm kỵ đồ ăn trong khi uống thuốc
+ Cam thảo , Hoàng liên, Cát cánh, Ô mai kiêng thịt lợn.
+ Bạc hà kiêng Ba ba.
+ Phục linh kiêng dấm.
+ Dùng các thuốc ôn trung trừ hàn kiêng đồ ăn sống lạnh.
+ Dùng các thuốc kiện Tỳ tiêu đạo kiêng chất béo, tanh, nhờn.
+ Dùng các thuốc an thần định chí kiêng chất kích thích.
Tags:
Giỏ hàng của tôi (0)