So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

ĐƯỜNG ĐỜI DỐC ĐỨNG PHẦN 2: CHUYỆN TRONG TÙ - CHƯƠNG 7: ĐẠO SĨ TRƯƠNG TỬ VÂN VỚI MA TRONG TÙ

Ngày đăng : 08:23:08 20-11-2017
Mấy buồng giam bị nước ở phòng vệ sinh tầng trên rỉ xuống, phạm nhân phải chuyển buồng để sửa chữa. Họ được ghép vào ở tạm với các buồng khác. Số phạm nhân lớn tuổi được ưu tiên chuyển về buồng giam thuộc Trung tâm y tế. Buồng của Bảo Khôi cũng đón nhận mấy phạm nhân, trong đó có một phạm nhân rất đặc biệt. Ông ta tuổi ngoại bảy mươi, dáng người đạo mạo, cao lớn, râu tóc bạc phơ, trông đẹp lão như một ông tiên. Nhân vật chắc có mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo trại giam nên không phải thi hành nội quy về việc cạo râu. Cũng có thể do bộ râu quá đẹp nên các thầy quản giáo không nỡ gọt bỏ. Ông ta được bọn tù gọi là “Đạo sĩ ”.
Đạo sĩ Trương Tử Vân nguyên quán ở Hòa Bình, chuyên hành nghề địa lý, bói toán và cúng lễ. Ngoài xã hội, ông ta quen biết khá nhiều quan chức cỡ lớn và thuộc loại học cao, hiểu rộng, có tài ăn nói và diễn thuyết. Vào tù cũng được bọn phạm kính nể và nhiều các cán bộ quan tâm lui tới hỏi về những chuyện tâm linh. Ông ấy mới lần đầu gặp Bảo Khôi mà hai người thân thiết như quen nhau từ nhỏ. Họ rủ rỉ chuyện trò suốt ngày, thâu đêm mà không biết mệt. Khi đã hiểu nhau, Khôi mạnh dạn hỏi:
- Tôi hỏi khí không phải, bác lang bạt tứ phương ăn trên ngồi chốc, làm cha thiên hạ như thế thì chắc phải có bảo bối độc đáo lắm nhỉ?
- Đúng thế! - Trương Tử Vân kiêu hãnh trả lời. - Không có thì làm sao dám liều lĩnh đứng trước “lưỡi đao mũi kiếm”. Chẳng giấu gì chú, khi thật cần thiết tôi vẫn phải mở bảo bối xuất độc chiêu để trấn áp đối thủ bảo vệ sinh mạng. Có những đối thủ tôi làm cho khuynh thân bại sản, khi quy phục thì mới tha.
- Chiêu gì mà khiếp thế? - Khôi hỏi.
- Những tuyệt chiêu gây ra chứng bệnh mà phải nói là không ai có thể chữa được, duy có tôi - kẻ làm ra bệnh mới chữa khỏi.
- Bác kiêu ngạo và chủ quan quá đấy! - Khôi nói. - Nói gì thì bác cũng là kẻ sĩ tỉnh lẻ, sinh ra trong vùng sơn lam chướng khí. Trước mặt bác, - Khôi vỗ tay lên ngực mình, - tôi là một trượng phu, sinh ra và lớn lên trên đất thánh Hà Thành, bản lĩnh văn võ song toàn, nho y lý số chất đầy bụng, chẳng lẽ lại bị bác lấp kín mặt.
- Tôi biết! - Đạo sĩ Trương Tử Vân trả lời, nhưng vẫn phải khẳng khái, tự tin và nói rằng:
- Ngoài tôi ra không ai chữa được. Nếu chú chữa được thì tôi xin làm con chó giữ nhà cho chú!
- Không! Bác quá lời rồi! Nếu tôi chữa được thì chỉ với điều kiện bác phải dốc hết bầu tâm sự trong cuộc đàm đạo này. Còn với tôi, nếu không luận trị được thì tôi xin quỳ gối bái bác làm sư phụ.
Trương Tử Vân mỉm cười hóm hỉnh, trầm tư một lúc rồi nói:
- Chẳng hạn như tôi làm cho đối thủ mất hết hồn vía, không còn bản năng phòng vệ, tôi bảo sao phải nghe vậy và sai khiến như một nô lệ. Hoặc làm cho nó tụt hàng gang ruột ra khỏi hậu môn, tới bệnh viện điều trị kể cả phẫu thuật cũng không khỏi.
Bảo Khôi nở nụ cười trên nét mặt lạnh lùng, bởi cả hai thách thức ấy đều “trúng tủ”. Khôi hỏi:
- Có phải đó là những bảo bối của bác đưa ra trong cuộc thách đố?
- Vâng! Đúng thế!
- Quá đơn giản!
Trương Tử Vân  tím mặt nói nhại theo với giọng mỉa mai:
- Quá đơn giản! Vậy thì chú chữa bằng cách nào hay là dùng thuốc “Thanh tâm giải độc” với “Trĩ linh hoàn” ?
- Đơn giản bởi đó là sự đầu độc bằng rễ cà độc dược, mà tủ thuốc của tôi luôn có hoa khế phơi âm can.
Trương Tử Vân sững sờ hỏi tiếp:
- Thế còn chứng lòi ruột chữa bằng thuốc gì?
- Hơi khó kiếm. - Khôi trả lời, - Bởi đó là thứ quốc cấm.
- Cụ thể là gì? - Trương Tử Vân gặng hỏi.
- Đó là thuốc phiện hòa loãng phết lên lá khoai nước rồi ốp vào hậu môn người bị hại.
- Hay! Giỏi! Hay lắm! - Trương Tử Vân vỗ mạnh bàn tay lên vai Khôi mỉm cười thán phục. - Vậy tất hẳn chú cũng biết cách gây nên chứng ấy?
- Tôi là thầy thuốc. - Khôi trả lời. - Cần gì phải biết cái trò đó. Bác phải nhớ rằng, cuộc đời sinh ra một quái y tà đạo thì cũng sinh ra hàng trăm lương y chính đạo.
- Thế là đủ hiểu. - Trương Tử Vân nói. - Tôi không nói về thuốc thang, bệnh hoạn nữa mà nói về đạo pháp chuyên ngành của tôi. Chẳng lẽ chú lại biết cả pháp thuật của nghề thầy cúng?
- Vâng! Bác cứ trổ hết chiêu trò ra đi.
- Trong những khóa cúng, tôi từng làm cho con nhang đệ tử và tất cả những người có mặt phải lạnh gáy và kính phục. Tôi cho người mang bếp và xoong nồi tới bên đàn cúng. Rõ ràng là nồi không với nước lã mà khi đun nước sôi lên tôi dùng cán cờ lệnh quấy một lúc là biến thành hồ, có thể ăn được!
Nói đoạn Trương Tử Vân hất hàm nhìn Bảo Khôi, tưởng nhận được lời thán phục, nào ngờ lại nhận được cử chỉ xem thường bằng giọng cười nhạt nhẽo. Khôi nói:
- Đấy chỉ là một trò tinh nghịch của mục đồng. Tôi thừa biết cán cờ lệnh của bác là ống rỗng đã được nhét đầy bột gạo !
Trương Tử Vân vẻ bối rối, chắp tay sau đít, đi đi lại lại một lúc rồi nói tiếp:
- Có lần cuối khóa cúng, tôi rắc nước thánh đến đâu là con rùa giấy bò theo đến đấy. Khi hóa vàng nó kêu rên reo réo, có khi nổ bung lên làm mọi người hết vía.
Bảo Khôi giả vờ sửng sốt hỏi:
- Vậy chỉ một lần ấy thôi à? Bác có thể chủ động làm những lần tiếp theo không?
Trương Tử Vân đắc ý, cười khẩy với giọng đầy kiêu hãnh:
- Được chứ! Có thế mới gọi là bản lĩnh cao thủ, chứ không chẳng hóa ra là chuyện ăn may à? Thế nào, chịu sư phụ chưa? Hay là phải chờ khi được ra tù rồi tận mắt trông thấy mới thán phục!
- Xin lỗi! -  Khôi đáp - Chiêu trò ấy có gì mà phải thán phục. Không phải là con rùa giấy bò theo nước thánh mà là những con ốc nhồi để ngửa trên gác bếp cho khô nước rồi gắn dưới bụng rùa giấy, trong khi khát nước tột độ, gặp nước là ốc bò tới, khi bị đốt thì ốc kêu reo réo và nổ bung chứ sao.
Câu chuyện bị đứt đoạn bởi một thằng cao lồng ngồng, với nét mặt ngây ngô khờ khạo, nó sà xuống ngồi trước mặt Bảo Khôi với giọng năn nỉ:
- Thầy ơi! Bấm cho con mấy nhát! Con đau quá!
- Đau chỗ nào?
- Thầy cứ bấm như hôm nọ ấy, dễ chịu lắm!
 Khôi kéo cái gối cho nó nằm xuống và xoa bóp cổ gáy rồi bấm huyệt trị đau đầu cho nó. Một lúc sau nó ngồi phắt dậy, buông thõng một câu: Ôi! Thích quá! Rồi lững thững bước đi.
- Thật vô ý! - Trương Tử Vân nói. - Thầy bấm huyệt chữa cho hết đau mà không biết nói cảm ơn lấy một câu!
- Nó ngẩn ngơ biết gì đâu mà cảm ơn. -  Khôi nói. - Thỉnh thoảng nó vẫn có lúc tỉnh táo và ăn nói khôn ra phết. Có hôm nó vui vẻ chuyện trò với tôi cả hàng giờ.
Đạo sĩ Trương Tử Vân tò mò hỏi:
- Thế nó bị sao vậy?
Chuyện đại khái thế này. Khôi kể:
- Nó tên là Vượng, can tội sử dụng và tàng trữ ma túy. Hồi bị giam ở trên dãy lẻ, nó với thằng Trung Còi thường hiềm khích, mâu thuẫn đến mức cao điểm. Lúc ngồi ăn cơm chuyện ra chuyện vào, thằng Trung Còi xóc móc nó về ăn uống. Kìm chế không nổi, nó vớ cái bát ăn cơm bằng nhựa cứng đập mạnh vào đầu thằng Trung, máu phọt ra ướt sũng cả tà áo. Thằng Trung cùng hai thằng nữa đánh nó với những đòn đấm đá túi bụi, sưng bươu cả đầu. Lúc này, mấy thầy quản giáo vội tới mở cửa can ngăn và bắt hai thằng ra ngoài. Thằng Trung được đưa vào phòng cấp cứu gọt tóc, cầm máu và khâu vết thương. Xử lý xong thằng Trung thì thằng Vượng được đưa vào phòng cấp cứu kiểm tra các vết thương sưng bầm tím do đòn đánh. Cán bộ y tế vừa xử lý các vết thương bầm tím xong thì thằng Vượng kêu choáng váng và nôn ói. Lúc này lại có ca cấp cứu trọng bệnh, mà phòng cấp cứu chỉ có hai cán bộ trực, các thầy cho nó nằm ở giường để còn theo dõi tiếp.
Phòng cấp cứu rộng chừng hơn chục mét vuông, thẳng cửa vào là bàn làm việc, sau bàn là tủ thuốc, tiếp sau nữa là nhà vệ sinh, phía bên kia kê hai chiếc giường nối đầu vào nhau. Hai cán bộ y tế ra ngoài khóa cửa lại và tắt công tắc cầu dao điện phía ngoài hành lang rồi đi xử lý ca cấp cứu khác. Ánh sáng từ bóng đèn bên ngoài hắt qua song sắt tạo những góc sáng tối lập lờ trong phòng cấp cứu. Thằng Vượng lọ mọ bước ra song cửa chính, một lúc sau khi nó trở lại giường thấy có người nằm người thườn thượt, hai mắt trợn lên, nó sờ vào thì thấy toàn thân nát nhũn như bùn! Nó hoảng sợ lần xuống cái giường phía sau thì cũng thấy người nằm là đàn bà, tóc xõa đưa mắt nhìn nó, lại nhe răng ra cười. Nó thất kinh lao về phía cửa đạp rầm rầm, miệng chu chéo la hét. Cán bộ quản giáo bật đèn, mở cửa thì thấy nó ngất xỉu trên sàn. Từ đấy nó trở thành ngớ ngẩn như thế đấy. Tội của nó chắc chẳng có ngày về vì tàng trữ tới ba bánh heroin. Cứ ngây ngô, ngớ ngẩn như thế lại đỡ bị hành hạ và dằn vặt  tinh thần.
- Bác thấy trường hợp này thế nào? Liệu có ma như nó kể không?
Đạo sĩ Trương Tử Vân trầm ngâm suy nghĩ rồi hỏi lại Bảo Khôi:
- Xin lỗi tôi sẽ trả lời một cách cặn kẽ sau. Nhưng giờ tôi muốn hỏi nhận định của chú?
- Tôi thì bán tín bán nghi nhưng không đủ chứng lý để phủ nhận điều đó. Tết Nguyên Đán vừa rồi, tại buồng giam này, tôi cũng gặp chuyện tương tự. Hôm Ba Mươi Tết, anh em nhận quà nhiều lắm, đủ cả bánh chưng, mứt tết, hoa quả... Bọn tôi lấy cái thùng đựng nước cọ sạch sẽ rồi úp xuống chỗ gần cửa chính đặt bánh mứt kẹo, trái cây lên như một ban thờ. Mấy đứa lao động tự giác nó cho một thẻ nhang. Thế là có một nghi lễ khá tươm tất. Thằng Khánh với thằng Thăng khéo tay lắm. Chúng nó làm cả mấy bộ quần áo, vàng mã, thế rồi tôi thảo một đạo sớ cúng giao thừa. Xong nghi thức cúng, tôi ngồi tụng kinh cầu an và kinh Dược sư. Những bản kinh này tôi thuộc làu từ những năm tá túc ở chùa Linh Sơn. Trong lúc tụng kinh thì có một con mèo to lắm, ở đây rất nhiều mèo hoang nhưng chưa từng thấy con nào to như thế. Con mèo nhảy lên mặt bàn của quản giáo, nó ngồi giữa bàn nhìn tôi chằm chằm. Tôi vẫn tiếp tục tụng kinh. Thế rồi nó đứng bằng hai chân đi theo một vòng tròn, sau đó lại ngồi xuống nhòm vào. Biết không phải là vị nào bề trên mà là một vong tới chầu lễ, tôi liền tụng  kinh cầu siêu rồi khấn:
- Có phải vong linh nào tạ thế ở đất này nhưng chưa nhập mộ, nay về đây thì mách bảo húy danh để tôi làm lễ!
Lúc này con mèo nhảy xuống cách cánh cửa khoảng hơn mét. Nó đứng bằng hai chân sau, vươn cao lên, hai chân trước vỗ vào ngực rồi xoay tròn mấy vòng. Tôi vỗ vào vai thằng Tuấn đang nằm gần đây để nó dậy xem. Thằng Tuấn giật mình nhoàng dậy hú lên một tiếng, rồi chân tay run rẩy lại nằm xuống kéo chăn trùm kín đầu. Tôi hỏi:
- Mày sao thế?
Hai hàm răng nó đập vào nhau cầm cập.
- Ôi! Lạnh quá! Buốt hết cả xương...!
Vừa tuần trước tôi lại gặp một vong hiện hình rõ là người thật!
- Chú gặp ở đâu? Trương Tử Vân hỏi.
- Ngay ở phòng cấp cứu, đầu dẫy nhà này! Hôm ấy đoàn phóng viên nhà báo họ tới quay phim chụp ảnh, chẳng biết vì lý do gì mà họ lại tác nghiệp lúc bốn giờ sáng. Tôi được cử làm “diễn viên” thực hiện một cảnh ngắn. Khoảng hơn ba giờ sáng cán bộ quản giáo mở cửa bảo tôi sang phòng cấp cứu chuẩn bị. Trong phòng đèn điện sáng trưng mà tôi thấy rõ một thằng to béo, đen trũi, nó mặc mỗi chiếc quần đùi nằm trên giường! Nó ngước nhìn tôi, hai mắt  xếch ngược, môi trên thì bị sứt. Tôi trấn tĩnh hỏi:
- Mày tên là gì! Trời rét thế mà sao lại cởi trần?
Nó nhổm dậy miệng ú ớ chưa rõ lời thì cán bộ y tế sực tới, thế là nó biến mất. Ông cán bộ y tế hỏi tôi:
- Anh nói chuyện với ai thế?
Tôi mô tả hình thể cái thằng vừa gặp, thì ông cán bộ liền nói:
- Đấy là thằng Ký sứt! Nó bị đột quỵ khi đưa tới bệnh viện thì đã tắt thở. Có thể nó đã chết từ lúc cấp cứu ở phòng này!
Trương Tử Vân không bàn về chuyện ấy mà chêm vào một mẩu chuyện mới:
- Hôm Ba Mươi Tết ở trên dãy chúng tôi cũng bày mâm ngũ quả và nhang khói liền ba ngày Tết để cúng “Thần Chim Cu”. Khi mới vào trại nghe chúng nó nói tôi chẳng tin, nhưng rồi thực tế mắt thấy tai nghe mới cho là thật. Ở góc khu buồng giam trên ấy có một cây vối lớn, cứ khi nào “Thần Chim Cu” bay tới rồi sà xuống cành thấp gáy: “Cục cù cục  cù”, Ngài ngoảnh đầu vào buồng nào là y như buồng ấy có người được tha tù. Nếu Ngài gáy dài tiếng hơn là có hai, ba đứa được tha. Mà đặc biệt hôm nào Ngài gáy năm tiếng liền: “Cúc cục cu cu cu” là được ra tù nhiều lắm! Tôi thường được các thầy quản giáo chiếu cố cho ra sân tắm nắng và hỏi han chuyện trò nên biết cả nguồn gốc về “Thần Chim Cu”. Đầu đuôi câu chuyện thế này:
Góc khu buồng giam phía ấy trước kia là một xóm nhỏ, tại đấy có một cái miếu thờ, người dân ở đấy thờ vị nào thì không rõ. Thế rồi cả xóm phải giải tỏa để xây trại giam. Ở đấy có cây vối lớn, thợ xây dựng họ không chặt đi mà để nguyên cho có bóng mát. Thế rồi một hôm, từ trên giàn giáo tầng hai có một anh thợ nề sảy chân rơi xuống. Thay vì phải rơi xuống chân giàn giáo thì lại lăng ra cành vối. Thế là thoát chết. Thấy sự lạ người ta nảy sinh chuyện tâm linh rồi sửa lễ đem tới gốc vối lễ tạ. Khi tiếng chuông mõ cất lên thì thấy “Thần Chim Cu” bay tới ngự trên  ngọn cây vối. Cúng xong, họ để bát nhang lên cái mấu sùi ra trên thân cây vối. Thế rồi mỗi ngày cái mấu ấy cứ sùi thêm ra, ôm chặt lấy bát nhang. Rồi cây vối vẫn tiếp tục tồn tại mà chẳng ai dám chặt. Mấy năm trước có Ban Đồng, ông ấy mang quân hàm Trung tá, là đội trưởng phụ trách cả dãy buồng giam. Thấy cây vối xanh um mà lá lại không dùng được, hãm nước rất đắng, kể cả đem ủ lá theo đúng quy cách khi hãm nước uống vẫn đắng. Thế mà để đấy thì sớm tối bọn tù cứ tranh nhau đứng sát cửa lồng để lễ bái cầu nguyện. Rồi bọn tù lao động tự giác cũng lén lút mang trái cây tới gốc vối thắp nhang.
Thấy lộn xộn, Trung tá Đồng nảy sinh ý định chặt cây vối. Tối hôm ấy ông ta ở lại  trực ban rồi mơ thấy “Thần Chim Cu” hiện về đe dọa: “Nếu ông phá nhà của tôi, tôi sẽ bắt con ông!”. Ông Đồng vốn tính hung hăng ngạo ngược, thấy vậy lại càng tức tiết và làm văn bản trình cấp rồi sai mấy thằng lao động tự giác mang cưa máy tới cưa bỏ cây vối, nhưng cưa không được mà gẫy liền hai lưỡi cưa cứ như là có cây sắt to ở bên trong. Ông Đồng liền sai chúng nó lấy dao chặt. Chặt được vài nhát thì thấy từ bên trong cây vối tuôn ra nước đặc sánh màu nâu đỏ mà có mùi cay cay, hắc hắc xông lên làm mấy đứa xây xẩm đầu óc. Cùng lúc ấy ông Đồng nhận tin qua điện thoại: “Thằng con mới tám tuổi bị rơi từ lan can tầng hai xuống đất, phải chở đi cấp cứu”. Ông Đồng cho ngưng việc chặt cây vối rồi vội vã phóng xe về. Đứa con chưa tới bệnh viện thì đã tắt thở trên taxi. Thế rồi việc chặt hạ cây vối bị ngưng lại và không chỉ bọn tù tự giác lén lút mang đồ đến cúng mà cả mấy cô, mấy thầy quản giáo cũng tỏ lòng tín tâm.
- Thế đến nay cây vối còn tồn tại không? - Khôi hỏi.
- Không.
- Sao vậy?
Sau vụ ấy, không thấy ông Đồng tới làm việc nữa mà có một vị cũng mang quân hàm Trung tá tới thay thế. Nghe câu chuyện đồn đại huyền hoặc ấy thì liền bốc máu ra oai. Ông ta chẳng cần ra oai thì cũng đã thấy “oai” lắm rồi! Bởi cái cặp mắt xếch gắn trên bộ mặt “lưỡi cày”, lại chêm vào đấy là một hàm răng vẩu ra như mái hiên tây. Sẵn văn bản đã được ban giám thị phê duyệt về việc chặt bỏ cây vối, ấy thế là ông ta sai bọn tù tự giác dọn đường rồi rồi thuê máy múc vào đào tận gốc!
- Thế là mất “Thần Chim Cu” à ?
- Không. Ở giữa khu ấy, họ xây một bể cá rất lớn tốn hàng vài trăm triệu.  “Thần Chim Cu” thỉnh thoảng lại sà xuống đậu trên đỉnh hòn non bộ. Bọn tù lại bày lễ lên thành bể cá. Tôi cứ nghĩ: Thay vì xây bể cá bằng xây một tháp Quan Âm thì có lẽ lại mang lại hiệu quả giáo dục. Nhờ tháp Quan Âm, phạm nhân họ sẽ có cơ hội tĩnh tâm hướng thiện. Thế rồi lại mở rộng ý tưởng: Giá mà ở một trại giam chứa hơn bảy ngàn can phạm, lớn thế này mà có một ngôi chùa thì tiếng chuông, tiếng mõ sớm tối sẽ đem lại hiệu quả tu tâm hướng thiện hơn nhiều lần so với việc xếp hàng bó gối ngồi nghe đọc nội quy. Mà nếu có chùa thì thiếu gì người hương đăng sớm tối. Nhiều phạm nhân khi mãn hạn tù lại chẳng tranh nhau xin ở lại phục vụ nghi lễ!
Bảo Khôi vỗ vai Đạo sĩ Trương Tử Vân nói:
- Quả là: “Ăn cây nào rào cây ấy!”. Bác là thầy cúng thì tưởng tới việc xây dựng chùa, còn tôi là thầy thuốc thì lại tưởng tới việc xây dựng vườn thuốc Nam, hướng dẫn sử dụng thuốc Nam và các liệu pháp tự chữa bệnh cho can phạm. Nếu những bãi đất trống thay vì trồng cỏ mà trồng thuốc Nam thì giúp bao người thoát khỏi đau đớn bệnh tật. Ngoài ra còn có thể thu được nguồn lợi nhuận không nhỏ khi xuất bán thuốc cho các cơ sở chẩn trị. Mà thôi, anh em mình nằm dưới đáy vực mà lo chi việc “Triều đình”. Thế bác can tội gì mà phải ngồi đây. Liệu cuối năm nay có thể được về không?
Trương Tử Vân lắc đầu cúi mặt nói:
- Rầu ruột lắm, vẫn chưa thấy tia hy vọng nào! Thực tế tôi chỉ bị vạ lây thôi. Nhưng vụ này khá phức tạp không biết bao giờ mới hoàn cung và xét xử. Trong thời điểm rộ lên các ông đồng, bà cốt, các thầy, các cậu, các cô vỗ ngực xưng danh lôi kéo con hương đệ tử để kiếm tiền, cái thằng mà làm khổ tôi là nổi lên trong bối cảnh ấy. Nó không phải là anh em họ hàng thân thuộc mà là em của anh rể tôi. Kính mến anh chị thì cũng quý mến nó và chiều ý nó, thế rồi bị vạ lây.
Nó xuất thân từ gia đình tử tế. Cũng đã từng xông pha khói lửa đạn bom, ấy thế mà chẳng giữ được danh giá lại dấn thân vào con đường cùng quẫn. Trong những năm nó trở lại chiến địa tìm hài cốt ông anh ruột, mất bao công sức tiền của mà không thấy anh mình, lại chỉ thấy người thiên hạ. Thế rồi nó câu bè kéo cánh với bọn vô công rồi nghề bắt chước chiêu trò “nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ”. Rồi được nổi danh một thời, khi hết vốn về các mộ chí thật mà khách tới nhờ vả ngày càng nhiều. Thế là nó tính chuyện lừa lọc!
Nó lại vào khu chiến địa Tây Nguyên bới những bộ hài cốt lính ngụy mà những năm trước nó tìm thấy rồi vứt bỏ những di vật như thẻ bài, dây lưng, bi đông… rồi lấp lại và lừa các thân chủ là gia đình liệt sĩ. Nó bày trò ma quái dẫn đường chỉ lối cho họ tới lấy hài cốt. Để thêm phần uy linh, nó mượn ngôi điện thờ của gia đình tôi làm “trụ sở”. Ngôi điện thờ này đã tồn tại tới bốn đời. Tôi thật không thể ngờ đến cơ sự như thế. Nó cho rằng làm vậy là để giải quyết chuyện tâm lý cho thân chủ và làm phúc cho một vong hồn đồng loại. Ấy thế rồi trời xanh có mắt, những tối tăm mờ ám trong đầu nó đã bị phát giác. Nó đã thú nhận tội lỗi và khẳng định tôi không tham gia gì trong hành vi lừa đảo của nó mà chỉ cho mượn cửa điện. Tuy nhiên tôi vẫn nhận rõ trách nhiệm của mình và cam chịu ngồi tù.
Tags:
Giỏ hàng của tôi (0)