So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

TIỂU THUYẾT ĐƯỜNG ĐỜI DỐC ĐỨNG - PHẦN 2: CHUYỆN TRONG TÙ - TIỂU THÙ BẤT ĐẮC DĨ

Ngày đăng : 09:44:41 27-11-2017
Đứa bé khoảng hai tuổi theo mẹ ở trong tù. Chỉ đêm đến nó mới có bạn. Nó vồ vập chơi với thằng bé đen sì trên tường. Mẹ nó đã mấy lần giải thích: “Đó là cái bóng đấy con ạ”. Nhưng nó cố tình không hiểu, đêm nào cũng hết đứng lại ngồi chơi với đứa bé khiếm thị, câm, điếc và vô cảm ấy cho đến khi ngặt nghẹo buồn ngủ mới thôi.
Nó biết thương mẹ và thương cả những người cùng chung cảnh ngộ với mẹ nó nên ngoan ăn, ngoan chơi, giúp các bà, các bác, các dì khuây khỏa nỗi u sầu. Thế nhưng cái giá lạnh trong mưa phùn, gió bấc làm nó ho rũ người và rất khó thở. Y tá của trại giam cho uống thuốc mấy hôm rồi mà không đỡ. Giờ nó phát sốt, toàn thân nóng hầm hập. Cô quản giáo cho cả mẹ nó theo vào Trung tâm y tế của trại giam để điều trị. Mấy hôm nay nó đỡ rồi. Mẹ con nó được ở buồng giam trong khuôn viên Trung tâm y tế. Nó chập chững tập lại những bước đi trong bốn bề tường kín. Chẳng biết bố mẹ nó đặt tên khai sinh là gì nhưng trong tù ai cũng gọi nó là Choai Choai. Nó luôn đòi mẹ cho bám vào song cửa sổ như một con chim bám vào mảnh lồng. Mẹ nó kéo cái giường sát cửa sổ, buộc cái vỏ chăn làm dây an toàn rồi đi giặt đồ. Thấy ai đi qua nó cũng gọi. Tất cả già trẻ, trai gái, kể cả quản giáo lẫn can phạm nó đều đặt cho một cái tên chung là “Pà Pà”. Một ông quản giáo dừng chân nhìn nó, nó hớn hở vẫy vẫy. Ông ấy bảo:
- Ạ đi! 
Nó ạ nhiệt tình quá, đập vào song sắt bươu cả trán. Nó không khóc mà trừng mắt nhìn song sắt như muốn tóe lửa.
Sớm nay có lẽ người ta họp hành gì. Chẳng thấy ma nào qua lại. Chợt thấy sột soạt trên cây muỗm ngoài sân. Cái gì vậy? Nó chăm chú nhìn. Một lúc sau, hai con mèo hoang từ trên cây muỗm rớt xuống. Chúng nó vờn chộp, vuốt ve, âu yến nhau. Choai thích lắm, gọi ầm lên. Nó không gọi Pà Pà mà đặt tên rêng cho mèo là “Chạ Chạ”. Gọi mãi, vẫy mãi mà mèo chẳng tới gần. Nó bèn chui đầu qua song cửa. Cố gắng mãi rồi cũng đưa được cái đầu ra khỏi sự giam cầm. Nhưng cái vai to hơn, nó chuồn choại mãi mà không thoát ra được. Mệt quá! Nó chấp nhận ở lại, nhưng cố gắng mãi mà không rút đầu vào được. Nó dùng cả tay, cả chân để tụt vào rồi bị trượt khỏi thềm cửa. Cái vỏ chăn mẹ nó làm võng an toàn lại dưới tầm chân. Toàn thân nó lủng lẳng treo trên ô song cửa.
Cằm và mang tai nó trầy xước. Cổ, gáy và cả mặt đỏ ửng, sưng phù lên. Tiếng khóc của đứa bé đã khản đặc. Nó hết nước mắt rồi! Nước mũi, nước dãi nó chảy thành dòng ướt sũng cả thềm cửa. Mẹ nó ngồi vật xuống góc tường, hai mắt lờ đờ, hai tay vật vã như múa, như vẫy. Miệng lụng bụng  nói gì chẳng ai cần hiểu.
Mấy vị quản giáo tới cứu nó nhưng loay hoay mãi không được, bởi không thể làm cái đầu hoặc cái vai nó nhỏ hơn. Cuối cùng phải dùng biện pháp cưa song cửa. Mấy phạm nhân lao động tự giác xỉ lượt nhau cưa song sắt. Choai Choai sợ người ta cưa vào cổ, càng sợ hãi, càng cố hết sức rút đầu vào nhưng bị một đôi bàn tay rắn chắc nắm cố định đầu nó lại. Nó hoảng loạn la thất thanh. Mọi người nhăn mặt cố gắng không để tiếng la hét khiếp đảm của đứa bé lọt vào tai. Nhưng sự cố gắng ấy chỉ làm những dòng nước nóng hổi tuôn xuống vè mắt.
Mấy cô quản giáo thay nhau nâng đỡ nó lên, nước mắt họ lã chã rớt xuống thấm ướt chòm áo trước ngực. Tiếng cưa kèn kẹt, rờn rợn đã lặng hẳn. Đứa bé được rút ra khỏi song sắt. Nó khèn khẹt trong họng, hai tay với về phía mẹ. Mẹ nó bế áp vào lòng. Thấy cánh cửa sắt chưa đóng, nó vội nhoài người, bắt mẹ bế ra khỏi bốn bức tường u ám. Nhưng ngay lúc đó, cánh cửa sắt đóng “sầm” Vị quản giáo ra lệnh:
- Hàn lại song cửa!
Anh lao động tự giác nhìn đứa bé nói:
- Từ nay yên phận ngồi tù, đừng chui ra nữa nhé!
Một anh cầm cái cưa sắt giơ lên dọa:
- Lần sau còn chui ra là chú cắt chim!
 Nghe vậy mẹ nó liền nói:
- Cháu là con gái, chim đâu mà cắt!
Mọi người cùng ồ lên.
- Trời! Con gái hả?
Cô quản giáo phụ trách mẹ con nó liền nói:
- Đúng đấy! Cháu là con gái, tên khai sinh là Lê Thị Thục Khanh.
- Trời ơi! Vậy hả? Tội nghiệp con bé…!
                                                              *
                                                        *           *
Thực ra trong tù mà mẹ con nó có được nơi ăn, chốn ở, như thế thì có thể coi là thiên đường rồi! Hồi ở trại giam tuyến dưới, sàn xi măng còn chật chẳng đủ nằm, lấy đâu ra giường chiếu. Ngày đầu theo mẹ vào tù, nó nhớ bà nội, nhớ các chị rồi khóc suốt. Có hôm nó khóc gần hết đêm.
Đã từng mang nặng đẻ đau, đã từng làm mẹ mà sao mấy đứa nó nhẫn tâm đến thế. Thấy đứa bé la khóc, nó hằn học, làu bàu khó chịu. Mụ đầu gấu mang chức buồng trưởng dằn giọng:
- Không để cho bà mày ngủ hả? Mấy đứa đâu, chúng mày chết hết rồi à?
Mấy con đàn em tay sai đắc lực vội nhổm dậy. Con Hồng Trăn Tinh hùng hổ nói:
- Để tao!
Con này mang tên một loài hoa nhưng rất tàn bạo. Cái đầu nó ngắn tũn, khuôn mặt bè bè, hai má lúc nào cũng đỏ rực, những mụn trứng cá chen nhau mọc dày lên cồm cộm như vỏ cam sành. Cái cổ nó chẳng có tật gì nhưng lúc nào cũng cúi gằm xuống. Khi cần quan sát, mắt nó trợn ngược hoặc liếc phải, liếc trái. Có khi méo cả mặt vì góc liếc nhưng nó vẫn không ngẩng lên và cũng không xoay góc mặt. Cánh tay nó gân guốc với những ngón tay ngắn tủn ngủn lại tù tù dùi trống. Bàn tay phải của nó cụt hết ngón. Lý do không phải vì tai nạn gì, mà do nó nhận hai mươi triệu tiền thuê rồi đem axit đến tạt vào mặt một cô gái. Cô này với nó không chỉ là chỗ quen biết mà còn có quan hệ họ hàng. Do lúng túng nên lọ axit không tạt thẳng mặt mà chỉ vào vùng ngực và cánh tay chị họ, một phần lại giây vào đùi của chính nó, làm nó không chạy được mà lăn ra cầu thang la hét đau đớn. Lúc này, anh của nạn nhân kịp tới. Nhận ra sự việc, anh ta liền bóp cổ con Hồng Trăn Tinh cho đến chết. Chưa nguôi giận, anh ta lại lấy búa đập nát từng ngón tay của nó. Đập đến ngón thứ năm thì nó tỉnh lại rồi cố sức lao xuống mặt đường. Nó cũng được đưa đến bệnh viện nhưng không thể chắp lại những mảnh vỡ nát. Người ta đã cắt cụt luôn cả năm ngón! Bây giờ trông nó bảnh bao hơn nhiều, bởi nó đã từng dùng một món ăn mà nó cho là “hảo hạng” nhất.
Hồi ấy đầu nó trọc lốc không một sợi tóc, chạy chữa mãi chẳng khỏi. Nó xem trên mạng thấy nói ăn canh thai nhi thì khỏi. May quá nó lại làm nghề trông giữ xe ở gần bệnh viện phụ sản, kiếm thai nhi chẳng khó khăn gì. Mấy bà làm dịch vụ hút thai tư nhân vẫn thuê nó đem thai nhi còn tươi đi chôn. Thế là nó đem về  nấu canh ăn thử. Nó ăn liền một tháng rồi thấy tóc mọc lại. Nó bảo ăn ngon lắm, chưa có thứ canh gì ngon và ngọt nước như thế! Ăn mãi rồi quen kể cả khi thiếu tiền mua đồ ăn nó cũng dùng món ăn “hảo hạng” này. Nó nói là trước đây bị hen rụt cổ thế mà ăn canh thai nhi bệnh hen cũng khỏi...!
Hồng Trăn Tinh xốc nách đứa bé đem vào khu vệ sinh. Mẹ nó tưởng con Hồng chỉ dọa cho nín. Nào ngờ nó chẹn cổ, bịt mồm, đánh dã man. Khi Hồng Trăn Tinh từ khu vệ sinh hầm hầm bước ra, lấy tay vuốt những dòng mồ hôi ướt sũng trên mặt, mẹ đứa bé mới hốt hoảng chạy vào. Thấy con nằm úp mặt xuống sàn, nghẹn nấc khóc không ra tiếng, mông và hai đùi bị đánh tím bầm thì chẳng bế nổi con mà lăn ra ngất xỉu.
Mấy người nằm gần nhà vệ sinh nhốn nháo, xì xào to nhỏ. Mụ buồng trưởng liền đằng hắng một tiếng. Tất cả lại im thin thít. Mụ buồng trưởng là một con vô học, chẳng nghề ngỗng gì, được cái nhà nó ở mặt phố, lại gần chợ. Nó chỉ môi giới buôn bán và tàng trữ hàng phi pháp mà giàu sụ lên. Khi bị bắt giam, chồng con nó tiếp tế hàng ngày, lại lo lót để nó được ăn trên ngồi chốc và được làm buồng trưởng. Con này sớm muộn rồi cũng sẽ bị quả báo.
Trước nó là con Hạnh Lùn làm  buồng trưởng. Nó nghi con Trinh Hồ Ly ăn vụng quà. Mặc dù con Hạnh đã xin lỗi vì lỡ lời, thế mà lúc nửa đêm, đang ngủ say con Trinh Hồ Ly lấy chiếc đũa xọc từ lỗ mũi lên tới mắt.
*          *
*
Thời gian thấm thoát trôi đi, Choai Choai đã thích nghi với cuộc sống mới. Mẹ con nó được tù chung với nhiều cặp mẹ con khác ở Trung tâm y tế. Nó không nằm chung với mẹ nữa mà nhận một mình một chiếu. Nó có cả một bát, một thìa ăn cơm cùng với khăn rửa mặt. Chiều tối, người ta rút quần áo phơi ngoài sân ném vào buồng giam, nó lấy từng cái mang đến đúng chỗ cho từng người. Khi cán bộ quản giáo điểm số, dù đang ở góc nào nó cũng vội vã chạy xuống ngồi bó gối xếp hàng. Nó biết mình là loại ăn theo, không có quyết định giam giữ nên luôn ngồi ở cuối hàng. Cán bộ quản giáo thương tình chỉ chỗ cho nó lên ngồi đầu hàng, nó cúi đầu ạ thật to.
Từ khi Bảo Khôi được chuyển tới Trung tâm y tế, Choai Choai có thêm bạn mới. Nó úp cái xô nhựa ở sát cửa sổ rồi trèo lên, nhìn sang buồng giam của Khôi, luôn mồm gọi:
- Ôi, ôi, ôi...!
Nó mới nói được một tiếng nhưng Bảo Khôi nói gì nó cũng cảm nhận được. Bảo Khôi được cán bộ quản giáo tin tưởng và giao thêm nhiệm vụ đun nước cho những tù nhân nữ pha sữa cho con. Thấy Khôi đi qua là Choai Choai mừng lắm, nó cứ ậm ự luôn miệng, muốn nói nhiều điều mà không ra tiếng nào. Mỗi lần gia đình gửi quà vào khôi dành phần lớn để phân chia cho các cháu. Choai Choai luôn được ưu ái phần nhiều. Trong dịp sinh nhật của Choai Choai, Khôi cặm cụi mấy đêm liền làm cho nó một cái xe ô tô và một con rối bằng các hộp nhựa, ống nhựa và vỏ bút bi. Công việc đơn giản vậy nhưng mất rất nhiều công sức. Bởi không có một mảnh sắt trong tay, Khôi phải gia công cưa cắt bằng chỉ và mài rũa bằng sàn nhà. Choai Choai đã nói được hai tiếng liền, rồi ba tiếng liền. Nó đã gọi được:
- Ông ơi! Ông ơi...!
Thế rồi nó được phân công nhiệm vụ “quản lý, giáo dục” các em - những đứa chưa đầy một tuổi. Thế mà nó làm được. Hình như trẻ con nó hiểu nhau và chịu nghe lời nhau. Đứa nào khóc nhè, Choai Choai quát im là lại cười không khóc nữa. Choai Choai bắt mẹ của các đàn em đặt từng đứa nằm dưới sàn theo thứ tự, mỗi đứa một vị trí cố định. Thằng Vàng đã được hơn 6 tháng tuổi, nó bướng nhất, không chịu nghe lời Choai, nó còn hay lấn sang chỗ của các bạn. Từ hôm nay, Choai bắt nó nằm ở phía ngoài cùng, không cho nằm dưới quạt trần nữa. Chẳng những thế Choai còn mách quản giáo là:
- Vàng hư, Vàng nhìn đểu Choai...!
Hôm Khôi được lên phòng quản giáo để xem mạch kiểm tra sức khỏe cho Ban Kim, sau đó được Ban Kim thưởng cho một điếu thuốc lá “ba số”. Khôi bỏ vào túi ngực. Thế mà khi đi qua buồng giam của bọn “chửa đẻ”, mấy con mẹ ngồi trong ấy nó đánh hơi được. Chúng nó lao xao chạy ra “bám lồng” năn nỉ:
- Ông ơi! Con thèm thuốc chảy rớt, chảy dãi. Ông cho con xin một khói! Con lạy ông! Con xin ông...!
Chúng nó cào cuột năn nỉ van xin, chẳng thể cầm lòng, Khôi vội nhìn ngang, nhìn ngửa, nhìn trước, nhìn sau rồi nhanh tay ném cả điếu thuốc qua song cửa cho chúng nó. Thấy có mùi thuốc lá, cô quản giáo liền mở cửa vào phòng để kiểm tra. Biết là hỏi mấy con tù mẹ thì đời nào chúng nó nhận, cô liền hỏi Choai Choai:
- Ai cho thuốc lá?
Choai Choai khẳng khái đáp:
- Nhung cho.
Nhung là một nữ tù nhân lao động tự giác đã hết hạn tù và vừa được về mấy hôm trước. Biết không phải Nhung cho, cô quản giáo gạn hỏi mấy lần, kể cả “mớm cung” cho nó:
- Có phải ông Khôi cho không?
Nó vẫn nhất quyết trả lời:
- Không! Nhung cho !
Vậy nhưng khi những người tù cùng buồng với nó hỏi thì cái gì nó cũng bảo: Ông Khôi cho Choai!
Nó biết thế nào là vi phạm nội quy, những gì cần phải kín đáo và nó biết bảo vệ ông Khôi để ông khỏi bi kỷ luật. Nó thương ông Khôi lắm. Mấy hôm liền không thấy mặt ông, nghe người ta nói ông Khôi bị ốm, nó ngồi  tiu nghỉu suốt ngày cho đến tối cũng chẳng ăn uống gì. Cô quản giáo dọa:
- Mày không ăn là tao nhốt ông Khôi vào trong bể nước!
Nó òa khóc và chấp nhận ăn. Nó cố nuốt nhanh cho hết bát cháo rồi “bám lồng” nhìn sang xem ông Khôi có bị hành hạ không. Nó thổn thức gọi ông, gọi thật to rồi gọi nhỏ dần, gọi liên tục cho tới khi ngủ gục vào song sắt.
Cuộc đời Choai Choai không biết rồi sẽ ra sao? Đành rằng nó đã quen với những khổ đau tột cùng. Nó chịu được những cơn đói cồn cào, chịu được cái rét cắt thịt và cả cái nóng bức như ngồi trong chảo lửa. Nó cũng biết chịu đòn nhẫn nhục và biết cả cách giả mù, giả câm, giả điếc... Nó không khóc nữa. Có thể nó đã nhận ra rằng khóc lóc, buồn tủi chẳng giải quyết được gì mà phải kiên cường đối mặt với một số phận nghiệt ngã…!
Tags:
Giỏ hàng của tôi (0)