So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

ĐƯỜNG ĐỜI DỐC ĐỨNG PHẦN 2: CHUYỆN TRONG TÙ - CHƯƠNG 9: TƯ ĐEN VỚI HAI LẦN TÙ TỘI

Ngày đăng : 08:27:41 20-11-2017
Một lính mới được chuyển vào giam giữ và chữa bệnh tại trung tâm y tế của trại giam Hồng Lô. Nó cao to lực lưỡng, nước da đen bóng như đồng hun. Mái tóc quăn bồng bềnh hợp với bộ râu quai nón rất đàn ông. Trông tướng mạo nó lại nhớ đến nhân vật Từ Hải mà cụ Nguyễn Du đã tả trong truyện Kiều: “Râu hùm, hàm én, mày ngài”. Nó dù không phải “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” nhưng đối với người Việt thì cũng là dạng ngoại cỡ. Nó đứng gần chạm mi cửa, có lẽ phải cao đến mét tám mấy. Đôi mắt sáng trong tinh nhanh và hàm chứa nội lực sung mãn. Mũi cao thẳng với cái miệng rất tươi luôn nở nụ cười khoe hàm răng trắng bóng. Đàn ông người Việt mà dáng vóc, hình hài như vậy thì thật hiếm có. Sau tiếng chốt cửa, nó đứng nghiêm khoanh hai tay trước ngực, cúi rạp xuống, miệng nói         dõng dạc:
- Cháu xin chào các bác, các chú cùng các anh!
- Thằng này chắc đã ở trại nào hoặc ở trên dãy chuyển xuống, đã được xào luộc đủ phép tắc rồi!
 Trật tự buồng chỉ vào góc phòng và ra lệnh:
- Về chỗ!
Nó xách bao tải đựng đồ đạc lom khom bước tới góc buồng giam. Nó dõi nhìn Bảo Khôi với ánh mắt mừng rỡ như gặp người thân, rồi đon đả:
- Dạ, con chào Thầy!
Bảo Khôi nhìn nó khẽ gật đầu. Nó rón rén lại gần.
- Con là Tư Đen, đệ tử của thầy Võ Kiểu, Đà Nẵng. Tại đại hội thể thao toàn quốc, con đã được Thầy trao huy chương. Con vẫn còn lưu tấm ảnh làm kỷ niệm.
- À! Thầy nhận ra rồi. - Khôi gật gù chậm rãi nói: - Trong trận chung kết đối kháng hạng cân 75 - 80kg, con đã thắng võ sĩ Hải Hà - Đệ tử của Thầy.
- Dạ, đúng vậy ạ! Con còn biết rõ tấm lòng đại lượng, chiếu cố của Thầy. Hồi đó Thầy còn nói là nếu tính điểm, con còn thua Hải Hà một điểm. Nhưng ba trong số năm trọng tài đã giơ cờ xác định con thắng. Khi ấy, Thầy là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật, trực tiếp giám sát thi đấu nhưng Thầy đã vui lòng chấp nhận.
- Đúng vậy đấy! – Bảo Khôi nắm tay Tư Đen thân mật nói: - Tuy rằng con kém điểm Hải Hà nhưng con thực hiện được đòn đá “Hồ điệp cước” đánh ngã đối phương. Theo luật thì chỉ được ba điểm, nhưng đây là chiêu thức khó mà con chơi rất điêu luyện. Thầy chưa thấy võ sĩ nào làm được như con, thật đáng khen ngợi. Bởi thế, cả tổ trọng tài cùng ban giám sát không ai bảo ai đều đồng lòng công nhận con thắng.
- Vâng! Một lần nữa con xin tạ ơn Thầy!
- Ngồi xuống đây!
Bảo Khôi cho phép Tư Đen ngồi xuống chiếu trên trước ánh mắt ngạc nhiên nhưng thuần phục của hàng chục nhân vật “có số”.
- Bây giờ con đi tắm gội và nhận chỗ, cơm chiều xong mình tâm sự tiếp!
Ở buồng giam này và cả khu bệnh xá đều biết danh thầy Khôi, ai bị bệnh đau yếu đều được Thầy trực tiếp chữa trị hoặc tư vấn cách chữa bệnh bằng liệu pháp không dùng thuốc. Họ đều gọi với cái tên thân mật là sư phụ hoặc là Thầy. Tuy không phải là buồng trưởng nhưng mọi người đều tuân phục và tôn kính thầy Khôi. Thầy ngồi đăm chiêu suy nghĩ: “Thế là võ giới đã có hai người vào đây, thật đáng buồn! Với bản thân, mình đã không lợi dụng võ công để làm điều phạm pháp. Còn Tư Đen, nó tội gì? Có vì chuyện đánh, giết người ta, làm vẩn đục thanh danh võ đạo?” Thầy nóng lòng muốn biết tội danh của nó.
Sau giờ điểm quân số, Bảo Khôi gọi Tư Đen tới. Tư Đen vừa đứng lên thì bị một đại ca phụ trách trật tự cản lại, anh ta vội đến bên Thầy Khôi nhỏ nhẹ như năn nỉ:
- Trông tướng tá nó thế kia, nếu không áp đảo ngăn chặn từ đầu, e rằng rồi nó sẽ “nâng số”, phiền lắm Thầy ạ.
Bảo Khôi trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Ừ, tùy anh em. Nhóm đại ca gọi Tư Đen đến vị trí “làm luật”, Tư Đen ngoan ngoãn tuân thủ.
- Cởi quần áo ngoài ra, xem mày có xăm trổ gì không?
Tư Đen tháo hết quần áo ngoài, chỉ còn lại chiếc quần cộc.
Ôi chao! Người nó đen như đồng hun, lại lông lá dày đặc. Cả chân tay cũng thế, cứ như chân ngựa. Họ đẩy nó xoay đi xoay lại rồi nhếch mép giễu cợt:
- Mày là khỉ chứ không phải là người, ghê quá! Mẹ mày có hay đi du lịch ở châu Phi không?
Tư Đen hiểu ý, nó không hề phật lòng mà phô bộ răng trắng phau ra cười rồi trả lời:
- Mẹ em ở Đà Nẵng, ba em người Ấn Độ.
- À ra thế! Thằng này là con lai, lông lá thế này hỏi còn chỗ nào mà săm trổ! Mặc quần áo vào!
Mấy đứa ngần ngừ sấn tới định thử Tư Đen vài đòn nhưng thấy thầy Khôi ra hiệu ngăn cản chúng dừng lại. Anh buồng trưởng nói như ra lệnh:
- Bây giờ mày hát một bài đi! Biết hát không?
- Dạ có! Em xin hầu các bác, các chú, các anh một khúc tân cổ “Chuyện tình Lan Điệp”.
- Tốt lắm! Hát đi!
Tư Đen hướng lưng vào tường cúi chào kiểu ca sỹ rồi cất tiếng hát. Cả phòng im phăng phắc, tiếng ca réo rắt não nuột lòng người. Nó ca được cả giọng nam lẫn giọng nữ. Hay thật! Cứ như là mở băng cassette. Mấy vị cán bộ đi qua không ngăn cản mà dừng lại trước một giọng ca mùi mẫn. Tư Đen kết thúc câu cuối rồi uyển chuyển cúi chào. Cả phòng đột nhiên vỗ tay rầm rập. Lúc này một vị cán bộ mới quát:
- Trật tự! Thằng này khá. Này, còn bài nào khác không?
- Dạ thưa còn! Em có thể độc diễn các trích đoạn cải lương: “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Bên cầu dệt lụa” hoặc “Lưu Bình - Dương Lễ”.
- Được lắm! Tối chơi tiếp nhé!
Không còn bị đứa nào cản bước, Tư Đen rón rén tới chỗ thầy Khôi.  Bảo Khôi ân cần hỏi:
- Con làm sao mà phải vào đây?
- Thầy ơi! Chuyện dài lắm! Con xin kể Thầy nghe:
Năm bốn tuổi con đã biết đọc, biết viết tiếng Việt và biết cả tiếng Ấn Độ, cho nên con đi học sớm. Năm 14 tuổi con đã học lớp Mười và thông thạo Anh ngữ, nhưng phải bỏ học sớm vì hoàn cảnh. Ba con mất sớm lúc con mới được bảy tuổi. Má con chưa một lần về bên nội và cũng không có quan hệ gì với anh em dòng họ bên Ấn Độ. Má tần tảo nuôi con, sau bốn năm thì đi lấy chồng, con phải ở với bà ngoại. Ngoại con già yếu lắm. Khi con mười bốn tuổi thì ngoại mất. Con chẳng muốn ở với ai nên bỏ nhà theo bạn bè đi bụi đời, lang bạt khắp nơi rồi vào Sài Gòn kiếm sống. Được vài năm sau thì dính chuyện không đâu và phải vào tù.
Đêm ấy, có một thằng chơi với con cũng không thân lắm, nó chích thuốc rởm rồi mê man vật vã. Con đưa nó đi cấp cứu, dọc đường thì nó chết. Con bị bắt, người ta cho rằng con đầu độc nó để chiếm đoạt tiền bạc. Họ bắt con ký biên bản. Con chống đối không ký. Thế rồi một anh quát tháo, nạt nộ ép con. Con lớn tiếng cãi lại, anh ta dùng gậy cao su uýnh con. Lúc đầu con chỉ tính cản đỡ. Thời gian này, bọn con cũng có nhiều đứa biết võ rồi cứ tập luyện với nhau. Thế rồi một anh nữa xô tới, đấm đá con túi bụi. Không kìm chế được con uýnh trả làm một anh bị vỡ quai hàm, anh kia thì do va chạm té ngã chấn thương sọ não. Người ta cho là con uýnh rạn sọ anh ta, thế rồi con bị bắt giam.
Gần năm sau phải ra tòa và lãnh án ba năm tù. Khi ấy con mới vừa mười tám tuổi. Tại trại cải tạo, con ở chung với ông Tài Mập. Ông ấy can tội buôn bán hàng quốc cấm, vào tù rồi lại bị tai biến tuần hoàn não, liệt nửa người. Con thường quan tâm chăm sóc ông ấy. Vợ nhỏ ông ấy hàng tháng tới thăm gặp và tiếp tế đồ dùng, đồ ăn đủ cho cả ông ấy và con. Bà ấy cũng năn nỉ nhờ con chăm lo cho chồng. Rồi hơn năm sau bệnh tái phát, trong lúc ông ấy hấp hối, ông bà ấy nhận con là con nuôi và hứa cho con một căn hộ trong khu biệt thự nhà vườn mà bà ấy đang ở.
Khi ra tù con về ở với má nuôi. Má cho con theo học nhiều khóa, văn hóa, lái xe, kinh doanh, giao tiếp lại còn học cả võ thuật và đờn ca tài tử. Ngoài giờ học thì giúp má giao nhận hàng và chở má đi công chuyện. Nhưng rồi, không được bao lâu, má nuôi con không còn coi con là con nữa!
Tư Đen lặng đi một lúc rồi kể tiếp với giọng nghẹn ngào:
- Con buồn và đau khổ lắm Thầy ơi!
Thầy Khôi gập gọn cái vỏ chăn làm gối rồi âu yếm nhìn Tư Đen nói:
- Con nằm xuống đi, Thầy cũng nằm rồi từ từ tâm sự.
Tư Đen nằm xuống nhìn lên tấm trần bê tông trắng phốc, rồi thấy loáng choáng, đầu óc chao đảo. Những cuộn mây vần vũ đen ngòm ùn ùn kéo đến. Nó nhắm mắt lại, những dòng nước mắt tứa ra ướt gối. Thầy Khôi nghiêng người khoác tay qua người Tư Đen nhỏ nhẹ như nói một mình:
- Đời vẫn đen bạc tráo trở là vậy, khổ đau có tha  ai đâu. Mọi chuyện rồi sẽ qua đi, chuyện gì đã qua thì cho qua luôn con ạ!
- Dạ! Con đã cố quên đi, nhưng gặp Thầy thì lại muốn chia sẻ!
- Nếu con có ý vậy thì Thầy cũng mở lòng chia sẻ cùng con cho vơi bớt, rồi lại cùng đẩy nó về quá khứ.
- Dạ vâng! Trong khi sớm tối nhà chỉ có hai má con, những lúc khó chịu trong người má kêu con cạo gió, rồi kêu con tắm gội kỳ cọ. Thật khó chạy đi đằng đớn và hổ thẹn tới cùng cực. Ngay đêm đó, con bỏ nhà ra đi rồi đón xe về Đà Nẵng. Con đã tìm được việc làm tại một gara, vừa phụ việc, vừa học nghề sửa xe hơi.
Con siêng năng làm việc và chăm chỉ học hành nên được ông hai Vinh - chủ gara quý mến. Tuy nhiên, sự quý mến ấy lại là hiềm khích của con trai ông chủ đối với con. Vì thế, bốn năm sau, ông chủ mất, thằng con trai nối nghiệp đã loại trừ con. Chẳng cần phải năn nỉ luồn cúi cái loại bất tài lại bất nhân bất nghĩa, thế rồi con cùng anh bạn thân tới gara của ông cậu ruột nó ở Hà Nội làm việc. Chỉ sau một năm chúng con đã tạo dựng được uy tín rộng rãi tới khách hàng hầu khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận. 
Khách tới ngày một đông, cơ sở trở nên chật chội. Sau Tết Nguyên đán năm vừa rồi, vợ chồng ông cả Trí mời con tới hợp tác mở gara. Sẵn cửa hàng chuyên mua bán phụ tùng của ông bà ấy rồi sửa sang mở rộng để sửa chữa ô tô. Vốn liếng nhà xưởng của ông bà Trí, thực tình con chỉ là người làm công. Nhưng ông bà ấy lại để con đứng tên với thương hiệu: “Tư Đen Đà Nẵng”. Cơ sở làm ăn phát đạt. Ông bà ấy đối xử với con khá tốt. Con đã tích cóp mua được nhà riêng, rồi nhờ pháp sư người Ấn Độ làm lễ triệu hồi cha con về để sớm tối hương khói. Con cũng mấy lần tới thăm má, năn nỉ má về ở với con rồi tính chuyện lo cưới vợ cho con. Xem chừng má cũng thuận ý.
- Hoàn cảnh má con giờ thế nào?
- Tội lắm Thầy à! Má con làm lẽ người ta, ông ấy đã có hai con trai. Vợ  mất rồi, nhưng đến giờ má con cũng không có thêm em nào. Thằng lớn con ông ấy kém con hai tuổi, đã lấy vợ có con rồi nhưng vẫn ở chung. Tụi nó láo lắm, coi má con chẳng ra gì, khác người ở đợ cho nhà nó.
- Ừ! Mời má về ở với con là quá phải rồi! - Tuy nhiên con cũng phải khéo léo lựa lời để khỏi chạm vào lòng tự ái của má.
- Thưa vâng! Thế rồi mọi dự định phải dừng bởi dính vụ “Bể đường dây mua phụ tùng từ xe ăn cắp”. Ông bà Trí động viên con đứng ra nhận tội để rồi ông bà ấy có điều kiện lo chạy. Thế là con phải vào tù lần thứ hai! 
Chuyện dừng ở đây thì còn thiếu nhiều chi tiết cho một số nhân vật. Nhưng xin lỗi! Tôi không muốn nhắc đến những người ấy nữa. Họ sẽ ra sao thì dễ hiểu thôi, gieo nhân nào  sẽ gặt quả nấy.
Người xưa nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước!”. Nhưng qua trường đời tôi tận mắt thấy những kẻ vô lương tâm và tàn ác thì phải trả giá ngay. Có muộn thì đoạn cuối đời ắt phải chịu sự trừng phạt thích đáng. Luật quả báo rất  linh ứng và chẳng tha một ai.
 Chuyện tôi muốn kể là: Những kẻ chìm trong cảnh đời tù tội, họ sống trong một thế giới khác biệt với nhiều điều mới lạ. Dù bị vùi sâu dưới bể khổ, nhưng vẫn không thiếu tình đời sinh động, bởi dù sao họ vẫn là người…!

                                                           
Trại giam Hồng Lô
Cuối thu Ất Mùi năm 2015
Nguyễn Hữu Khai
Tags:
Tin liên quan
Giỏ hàng của tôi (0)