So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

ĐƯỜNG ĐỜI DỐC ĐỨNG PHẦN 2: CHUYỆN TRONG TÙ - CHƯƠNG 6: HẦU CHUYỆN TỔNG GIÁM THỊ

Ngày đăng : 08:15:31 20-11-2017
Đầu giờ sáng thứ 7, Bảo Khôi được cán bộ quản giáo dẫn lên phòng làm việc của Đại tá Bùi Xuân Tình - Tổng giám thị trại tạm giam Hồng Lô. Với khuôn mặt đạo mạo, quắc thước, trông có vẻ khắt khe, khó tính nhưng tất cả lại nhòa đi bởi nụ cười rất tươi kèm theo giọng nói êm ấm và thân thiện. Vừa nhìn thấy cán bộ quản giáo Ông nói:
- Tùng à! Vào đây con, mời anh Khôi vào!
Trong phòng Tổng giám thị đã có mấy vị đều đeo quân hàm Thượng tá và Trung tá. Bảo  Khôi rón rén bước vào, khoanh hai tay trước ngực, cúi đầu:
- Kính chào các Ban ạ!
Mọi người đã vào ghế ngồi, vị quản giáo chỉ tay ra hiệu cho Khôi tới vị trí của can phạm. Bảo Khôi bước tới góc tường và ngồi phệt xuống đất. Ông Tổng giám thị được gọi theo cách thân mật và tôn kính là “Ban Tình”. Ban Tình chỉ tay vào một chiếc ghế nhựa nói như ra lệnh:
- Ngồi đây! Tôi cho phép anh được ngồi ghế!
Khôi đứng dậy ngần ngại, Ban Tình nói tiếp:
- Ngồi đây! Lát nữa còn xem mạch cho tôi mà!
Hiểu ý chân tình, Khôi cúi đầu nói khẽ:
- Vâng ạ! Xin đa tạ ân huệ của Ban.
Tổng giám thị nâng chén nước nhấp một ngụm rồi nói:
- Trước đây tôi có nghe danh tiếng của anh, rồi sách báo và mạng xã hội đã khẳng định anh là một thầy thuốc Ưu tú, mát tay phục dược, được đông đảo công chúng mến mộ. Bây giờ trong hoàn cảnh không có máy móc và y cụ khám chữa bệnh, anh có thể phát huy được tay nghề của mình không?
Thấy ông Tổng giám thị nói chuyện một cách cởi mở và lại hỏi về chuyên môn của mình, Bảo Khôi không ngần ngại trả lời một mạch như đang đứng trước một Micro:
- Thưa Ban! Xin cảm ơn sự quan tâm và thiện cảm của Ban. Nếu được Ban ủng hộ và cho phép, tôi vẫn có thể phát huy tốt năng lực của mình. Bởi lẽ với y học cổ truyền, máy móc y cụ không nhất thiết phải có khi khám chữa bệnh. Người thầy thuốc chỉ cần kiến thức với đôi bàn tay của mình. Với phương pháp chính thống là xem mạch, luận trị, kê đơn, hốt thuốc thì sau khi kê đơn thuốc, người bệnh có thể ra ngoài xã hội mua thuốc. Ngoài ra còn nhiều phương pháp chữa bệnh phụ trợ không dùng thuốc mà rất hiệu quả. Ví như truyền công lực, nhân điện, châm cứu, bấm huyệt, tác động cột sống, chích lể, niệm số và cả phương pháp kỳ bí đó là phù chú. Phương pháp phù chú là một trong những phương pháp chữa bệnh chủ yếu của dân tộc ta từ cổ xưa cho đến thập niên 50. Khi thực dân Pháp đô hộ và du nhập thuốc tây vào nước ta thì phương pháp phù chú vẫn phát huy tác dụng với những chứng bệnh mà thuốc Tây khó chữa.
- Anh có thể nói thêm về phương pháp phù chú và những bệnh có thể chữa khỏi?
- Thưa Ban! Phù chú là thầy thuốc đọc thần chú rồi vẽ bùa đốt cháy hòa tan vào rượu hoặc nước sạch cho bệnh nhân uống, hoặc vẽ bùa trực tiếp vào chỗ đau, hoặc vẽ bùa cho bệnh nhân đeo trên người hay gối đầu giường… Những chứng bệnh mà phù chú chữa hiệu quả, có thể nói là khỏi ngay tức thì như: Chứng giời leo, Tây y còn gọi là zona; chứng đau khớp cổ tay, cổ chân; chứng hóc xương; chứng nôn ói; chứng điên cuồng; chứng đau nhức răng. Kể cả viêm nha chu đau đớn sưng tấy cả hàm, cả má, không thể ăn gì được, vậy mà chỉ cần đọc thần chú, vẽ bùa lên má bệnh nhân, rồi thầy thuốc hà hơi vào là ngay sau đó bệnh nhân không đau nữa và có thể nhai được bánh mì. Phương pháp phù chú là thanh bạch, hiệu quả. Tuy nhiên lại dễ bị những kẻ cơ hội lợi dụng để lừa gạt bệnh nhân, làm ô danh linh pháp của Thánh hiền.
Ông Tổng giám thị gật gù tâm đắc nói:
- Mặc dù vẫn chưa ai giải thích vì sao phù chú lại chữa khỏi bệnh nhưng tôi không phủ nhận hiệu quả của phù chú. Vì tôi đã tận mắt nhìn thấy nhiều người được chữa khỏi bệnh. Vừa rồi, lại được anh chị em cán bộ báo cáo về việc anh đã dùng phương pháp phù chú chữa khỏi nhiều bệnh nan y cho nhiều can phạm và một số cán bộ. Cả những phương pháp anh vừa nói cũng đã được anh áp dụng trị bệnh rất hiệu quả trong trại giam này. Với phong cách khiêm tốn, nhã nhặn và tận tụy vì người bệnh, anh đã được can phạm và cả một số cán bộ mến phục. Họ đều gọi anh là Thầy. Điều này tôi chưa hề thấy trong tù, chưa có một can phạm  nào được đối xử như thế!
- Thưa vâng! Cám ơn Ban cùng các cán bộ dưới quyền của Ban về sự ưu ái này!
 - Còn phương pháp niệm số chữa bệnh cụ thể thế nào? - Ông Tổng giám thị hỏi tiếp.
- Thưa Ban! Niệm số là một trong những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc rất hiệu quả do Lý Y Sư sáng lập dựa vào học thuyết Chu dịch, học thuyết Âm dương ngũ hành và triết lý y học phương Đông. Phương pháp này có thể chữa trị hàng trăm bệnh. Có bệnh chỉ cần niệm 1- 2 lần là khỏi. Có bệnh phải niệm vài ngày, cũng có bệnh phải niệm hàng tháng nhưng sau mỗi lần niệm đều thấy dễ chịu và giảm bệnh rõ rệt.
- Khi niệm số có phải ngồi theo tư thế thiền không?
- Thưa không! Có thể ngồi thoải mái, có thể nằm hoặc có thể vừa đi vừa niệm. Niệm trầm không cần ra tiếng, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần khoảng 10 - 15 phút. Phương pháp này tôi đã nghiên cứu từ lâu, nhưng khi vào tù, trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thuốc chữa bệnh, tôi đã lục lại trí nhớ và áp dụng điều trị cho chính bản thân mình và hướng dẫn cho anh em cùng chung cảnh ngộ để chữa bệnh. Do công hiệu thực tế mà phương pháp này đã lan truyền rộng rãi, cả các cán bộ y tế và quản giáo cũng nhờ tôi chép cho để sử dụng.
Ban Tình - Tổng giám thị hỏi vẻ nghi ngại:
-Việc lục lại trí nhớ của anh nhỡ không chính xác thì sao? Có ảnh hưởng gì khi ứng dụng không?
- Thưa Ban! Các nhóm số được lập hoàn toàn dựa vào những công thức trong Chu dịch và Âm dương ngũ hành một cách khoa học. Người học dịch lý lại nắm được học thuyết Âm dương ngũ hành và hiểu triết lý y học phương Đông thì có thể tự thiết lập được các nhóm số. Vì thế, khi lục lại trí nhớ về niệm số, tôi có thể cầm chắc được sự chính xác và tôi cũng có thể tự thiết lập. Vấn đề là trong hoàn cảnh tù ngục, tôi đã có điều kiện khảo cứu và thống kê được những bệnh mà phương pháp niệm số mang lại hiệu quả cao.
Ban Tình nhìn Bảo Khôi rồi lại nhìn tới mấy vị Thượng tá - Phó Tổng giám thị gật gù tâm đắc. Một vị Thượng tá được gọi là Ban Quyến nhìn Bảo Khôi hỏi:
- Thuốc chữa đau dạ dày mang tên “Huỳnh Long” của anh rất hiệu nghiệm, tôi đã uống và khỏi bệnh từ mấy năm trước đây. Bây giờ lại bị đau mà thông qua xét nghiệm xác định là do vi khuẩn (Hp) thì điều trị có kết quả hay không?
- Thưa Ban! Thuốc “Huỳnh Long” chữa chung cho các chứng viêm đau dạ dày và không loại trừ trường hợp do khuẩn (Hp).
- Anh giới thiệu bài thuốc là những thảo dược không có độc tố, không có chất kháng sinh thì làm sao trị được vi khuẩn (Hp)?
- Thưa Ban! Để loại trừ vị trùng gây bệnh không nhất thiết phải dùng thuốc có độc tố hoặc thuốc kháng sinh, mà chỉ cần thay đổi môi trường nó đang tồn tại để không còn thích hợp với nó nữa, thì tất yếu nó không sinh sản được và không tồn tại được. Môi trường sống thích hợp của vi trùng là sự tích trệ và nhiệt. Y lý dạy rằng: “Thực tích sinh nhiệt, nhiệt tích sinh trùng”. Khi dạ dày được thanh nhiệt cường kiện và tiêu hóa thông suốt thì vi trùng sẽ bị loại trừ. Ví như một căn phòng có nhiều ruồi, muỗi, côn trùng thì không cần phun thuốc để tiêu diệt mà chỉ cần dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ và làm thông thoáng là ruồi, muỗi và côn trùng khắc hết. Nếu dùng biện pháp tiêu diệt chúng thì hết lớp này sẽ có lớp khác tràn vào, đồng thời căn phòng tất sẽ bị ô nhiễm cả độc tố và xác khuẩn.
Cô Quyến Trung tá, thường gọi là Ban Quyến nói với  Bảo Khôi:
- Tôi cùng gia đình và cả bà con lối phố vẫn thường dùng thuốc của Trường Phước, thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có người mấy ngày đầu dùng thuốc thấy bệnh tăng lên, đau nhiều hơn. Có trường hợp bị viêm xoang, đang thở bình thường, khi dùng thuốc thì lại tắc nghẹt cả hai lỗ mũi. Có trường hợp dùng thuốc thì bị lên mụn và bị ngứa nữa. Thế có phải là không hợp thuốc và có phải thay thuốc khác không?
- Thưa Ban! Những trường hợp ấy vẫn đúng với lý của quá trình điều trị. Không phải chứng bệnh nào khi dùng thuốc cũng thấy giảm đau dần và dễ chịu dần. Bởi lẽ, khi dùng thuốc uống vào để đối phó và “chiến đấu” với các tác nhân gây bệnh thì cơ thể người bệnh trở thành bãi chiến trường, có thể bị “cày xới”, bị nóng bỏng bởi “khói lửa đạn bom”. Nếu cứ kiên tâm chiến đấu thì vài ngày sau mọi chuyện sẽ tốt đẹp dần. Trường hợp nổi mụn là bởi công năng của thuốc thanh lọc cơ thể, đẩy những hoại tử ra theo đường mồ hôi và để lại trên da những nốt mụn. Đó là tàng tích của hoại tử, và khi ấy gây cảm giác ngứa.
Trong quá trình điều trị viêm xoang, có bệnh nhân thấy tắc nghẹt mũi và còn đau nhức hết cả mặt mũi, đau quá không chịu được, người nhà phải cho đi cấp cứu. Trên đường đi, chưa tới nơi cấp cứu thì bác ấy xỉ ra một cục mà bác ấy mô tả là trông như cục thịt đông, to bằng đốt ngón tay cái. Sau đó mủ đặc, mủ loãng cứ thế tuôn ra, lau ướt hết cả cuộn khăn giấy. Thế rồi thấy hết đau, thở dễ dàng và nhẹ hết cả người. Kể từ ấy, mấy năm sau không bị tái phát.
Vị đeo quân hàm Thượng tá được gọi là Ban Chính, nhìn Bảo Khôi với giọng hòa nhã:
- Anh này nhiều tài lẻ lắm! Nghe nói lại biết cả xem bói nữa. Đạo sĩ Trương Tử Vân còn phải kính nể. Ông ta nói là anh xem bói còn hơn cả ông ấy vì anh thuộc sách, còn ông ấy mà không có sách là chịu chết.
- Thưa Ban! Ông ấy nói vậy chứ xem bói còn có phương pháp dựa vào yếu tố tâm linh và trực giác để phán đoán đâu cần đến sách. Trăm hay không bằng tay quen. Tôi làm sao so được với nhà chuyên môn. Đành rằng nho y lý số là một hệ thống quan hệ mật thiết. Dựa vào mạch lý cũng có thể biết được nhiều vấn đề về số mệnh con người. Ví dụ như bộ mạch của Ban Thanh mà vừa hôm qua tôi hân hạnh được Ban cho phép kiểm tra sức khỏe thì hay rằng: Thay vì Tỳ không bị bệnh thì mạch Hữu Quan phải đi “hoãn” nhưng lại đi “huyền”. Án theo mạch pháp của Thái Tố Y Sư là thuộc vào cung “Điệp nhập hoa viên” và có thể là… Xin lỗi…!    
- Anh cứ nói tự nhiên đi. Đừng vì ranh giới, rào cản nào cả! - Ban Thanh sốt ruột nói.
Vị Tổng giám thị cũng nhắc lại:
- Chúng tôi đồng ý và chấp nhận sự phán đoán từ tri thức. Anh cứ tự nhiên!
- Thưa Ban! Cung này biểu hiện, có thể phu nhân của Ban Thanh đã bạc tình đi theo người đàn ông khác…!
 Vị Tổng giám thị đập tay xuống bàn nói:
- Chúng nó lôi nhau đi cả tháng nay rồi, còn có thể gì nữa!
Ban Thanh cúi đầu buồn rầu nói:
- Cứ kệ cho chúng nó đi với nhau, thế lại thấy nhẹ lòng hơn!
Một vị đeo quân hàm Trung tá hỏi:
- Vậy xem mạch còn có thể biết những cung nào khác không?
- Dạ thưa có đến 36 cung, bao hàm tiền vận, hậu vận, gia trạch, đất cát, mồ mả và cả tình duyên!
- Anh có thường kết hợp việc xem mạch chẩn bệnh với xem mạch lý số không?
- Thưa không ạ! Vì làm như vậy sẽ bị phân tâm. Nếu để lý số chen vào sẽ ảnh hưởng đến tư duy chẩn trị. Trong chữa bệnh cứu người, phải tập trung cao độ năng lực, trí tuệ, trí lực, tinh thần. Có vậy mới tạo ra năng lượng đủ mạnh để đẩy lùi bệnh tật. Vấn đề này còn gọi là “mát tay của thầy thuốc”.
- Vậy mỗi tuần anh có thể dành 2 - 3 ngày để xem mạch lý số được không?
- Thưa, điều này có thể, nhưng tôi không làm, vì lý số nhiều người làm tốt hơn tôi. Còn việc chẩn trị thì công chúng lại mến mộ tôi hơn nhiều người khác.
Ban Tình ra hiệu cho cán bộ Tùng. Cán bộ quản giáo Tùng rót một cốc nước đưa cho Bảo Khôi. Ban Tình mời mọi người uống nước rồi nói với Khôi:
- Anh uống nước đi! Tôi còn nhiều chuyện muốn hỏi. Mà anh ăn sáng chưa nhỉ?
- Thưa Ban, tôi đã ăn rồi ạ!
Mấy vị lãnh đạo trại giam nói chuyện nho nhỏ như đang hội ý việc gì. Một lúc sau Ban Tình lên tiếng:
- Tôi không tham vọng trở thành thầy thuốc nhưng rất muốn tìm hiểu về Đông y. Nay muốn được anh giới thiệu vài nét cơ bản của việc xem mạch, chẩn bệnh.
- Vâng! Thưa Ban: Trên cơ thể người có nhiều chỗ động mạch nổi sát với da thịt. Người xưa đã căn cứ vào biểu tượng của mạch để đánh giá sự sống, sức khỏe thực tại và bệnh tật. Đặc biệt là đã tìm được bộ mạch “Thốn Khấu” ở hai bên cổ tay. Dựa vào trạng thái hình tượng mạch, năm 220 trước Công nguyên, Đại y sư Vương Thúc Hòa đã tập hợp và xây dựng phương pháp luận giáo khoa về mạch lý một cách hoàn hảo.
Hình tượng, sức đập, trạng thái biểu hiện của mạch đã được phân thành 34 loại mạch, trong đó có 27 mạch bệnh và 7 mạch tuyệt. Bảy mạch tuyệt gồm: “Ngư tường”, “Ốc lậu”, “Tước trác”, “Đạn thạch”, “Hà du”, “Phù phí” và “Giải sách”. Khi phát hiện mạch của bệnh nhân thuộc bảy mạch này thì thầy thuốc thường khước từ việc cho thuốc mà còn biết được ngày giờ bệnh nhân qua đời. Dựa vào 27 trạng thái mạch bệnh và vị trí của mỗi mạch trên bộ Thốn Khấu mà chẩn đoán tình trạng bệnh lý của tạng phủ bên trong cơ thể theo Bát cương (âm dương, hàn nhiệt, hư thực, biểu, lý).
Xem mạch là bằng tinh thần và tư duy, thông qua xúc giác nhạy cảm của đầu ngón tay khi tác động lên bộ mạch Thốn khẩu để khảo sát những tín hiệu thần trí, sinh thái và tình trạng hoạt động của tạng phủ biểu hiện qua 34 thể mạch. Rồi căn cứ vào lý thuyết mạch lý và kinh nghiệm để phân biệt trạng thái thường và khác thường mà chẩn đoán bệnh.
Khi xem mạch, để có kết quả chẩn đoán tốt, thầy thuốc rất cần kết hợp với 3 phép chẩn: vọng chẩn, văn chẩn và vấn chẩn (tức là chẩn đoán qua hình sắc da; hình thái: Nghe, ngửi, nếm và hỏi bệnh nhân…) Tuy nhiên, qua kiến thức uyên thâm về mạch lý, kết hợp với bề dày kinh nghiệm, thầy thuốc có thể chỉ xem mạch cũng chẩn đoán được bệnh, nhưng rất vất vả và mất nhiều thì giờ.
Khi đã được bệnh nhân cho biết là bị đau dạ dày, bị đau đầu, bị mất ngủ… nhưng vẫn phải xem mạch để nắm rõ nguyên nhân gây bệnh mà trị tận gốc và để biết bệnh ấy ở mức nặng hay nhẹ, ở thể hàn hay nhiệt (nếu ở thể hàn thì khi kê đơn phải dùng vị thuốc nóng ấm, ở thể nhiệt phải dùng vị thuốc lạnh, mát). Đồng thời còn tìm hiểu tình trạng bệnh ở biểu hay lý (vừa mới nhập vào hay đã ẩn sâu trong tạng phủ) và sự liên quan của các tạng phủ khác với căn bệnh đã biết,… để rồi ra phương thuốc thích hợp cho chính bệnh nhân đang được xem mạch.
Y lý Đông phương có câu: “Thầy thuốc khổ vì không biết bệnh, bệnh nhân khổ vì không biết thuốc”. Vì vậy, sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ đem lại kết quả tối ưu trong việc khám và chữa bệnh.
Nếu bệnh nhân giấu bệnh, kể bệnh không trung thực, thầy thuốc rất dễ bị nhầm, dẫn tới những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với phương pháp xem mạch, ngoài việc phân biệt được bệnh lý và sinh tử, còn có thể biết rất nhiều những kiến thức mà người chưa được học mạch không thể ngờ tới. Ví như có thể biết được phụ sản mang thai trai hay gái và tình trạng của thai nhi. Chẳng hạn như: Mạch tay trái đi “Phù đại” sinh trai. Mạch tay phải đi “Phù đại” sinh gái. Mạch tay trái “Trầm thực” sinh trai. Mạch tay phải “Trầm thực” sinh gái. Cả hai tay trái, phải mạch đều đi “Trầm thực” thì sinh hai con trai (song thai). Cả hai tay trái, phải mạch đều đi “Phù đại” thì sinh hai con gái (song thai). “Tả thốn” mạch “Phù đại” sinh trai. “Hữu thốn” mạch “trầm thực” sinh gái. “Bộ Xích” tay trái lớn hơn tay phải, sinh gái. Tay trái mạch đi “Hoạt”, “Thực”, “Đại”, sinh gái. Cả hai tay phải, trái đều đi “Hoạt”, “Thực”, “Đại” thì sinh song thai.
Triều Nguyễn, thời Tự Đức, năm 1886, vợ của một vị đại quan đang mang thai bỗng đau bụng dữ dội, mình mẩy thâm tím, thở dốc, rất là nguy kịch. Với gia thế quyền lực, chỉ một lúc sau, các thầy thuốc đã đến đầy nhà mà rồi đều bó tay. Lúc này thầy Phạm Kim Giám - ngự y nội cung được mời đến. Xem mạch xong, thầy thầm nghĩ: Các vị thầy thuốc trước uy quyền đã lúng túng mà quên y lý nên bó tay. Thế rồi thầy thản nhiên kê đơn:
Nhân sâm: 2 chỉ; Can khương: 2 chỉ, sắc uống. Sau một giờ uống tiếp đơn thuốc Phụ tử: 3 chỉ; Sinh khương: 1 chỉ.
 Nhìn đơn thuốc và liệu trình uống thuốc, mọi người đều sửng sốt: Phải chăng thầy Giám nhầm lẫn hay bất cần sách thuốc (vì sách có câu: “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử”. Vả lại Phụ tử, Can khương là hai vị thuốc kỵ thai bởi đại nhiệt. Nếu theo lý mà xét thì uống thang thuốc này chẳng chết cũng trụy thai còn gì! Nhưng vì danh tiếng và uy tín của thầy Giám nên mọi người phải lặng thinh mà y hành. Uống thuốc xong một lúc, bệnh nhân chuyển dạ và trụy ra cái thai đã chết xám đen từ bao giờ. Sau đó thì sản phụ thấy hết đau bụng và khỏe trở lại. Thầy Giám dặn: Trong bụng sản phụ hãy còn một thai nữa là con trai, tới ngày sinh sẽ mẹ tròn con vuông thôi! Và rồi quả đúng như vậy.
Thầy Phạm Kim Giám lý giải rằng: Theo mạch lý, mạch bệnh nhân các bộ ở hai tay đều đi “Hoạt”, “Thực”, “Đại” và nhanh. Nhưng riêng mạch Hữu Xích lại khác thường, mạch Tượng như chim sẻ mổ (Tước trác). Theo mạch mà luận thì cả hai tay mạch “Hoạt”, “Thực”, “Đại” là có song thai. Nhưng mạch “Tước trác” thì biểu hiện mạch tuyệt (một trong thất quái mạch). Vì vậy phải có một sinh thể đã chết, nhưng là mẹ hay con? Nếu cả hai thai đã chết thì làm sao còn tồn tại mạch “Hoạt”, “Thực”, “Đại”? Nếu bà mẹ sẽ chết thì làm sao bộ “Thốn” và bộ “Quan” còn có mạch hữu lực? Từ đó mà luận thì chỉ có thể là trong hai thai có một thai đã chết. Bởi thế mà làm thai còn lại động, gây đau bụng và nguy kịch. Vấn đề bây giờ là phải trục cái thai đã chết ra, bảo tồn thai sống và bà mẹ. 
Cho uống Nhân sâm để bổ khí và an cái thai còn sống, trợ sức cho cả mẹ và thai sống. Vì mạch “Tước trác” ở bên Mệnh môn hỏa nên phải dùng Can khương có tính chất “thủ nhi bất tẩu” (dừng mà không chạy), vả lại nó có vị cay, tính nóng. không độc, hồi phục nguyên dương khi đã muốn tuyệt.
Sau đó cho uống tiếp Phụ tử, Sinh khương. Phụ tử thông đạt 12 kinh lạc, tuy là thuốc kỵ thai nhưng sách có câu: “Hữu cố vô vẫn” (tức là khi có tật thì không có hại). Do đó, Phụ tử đã làm nhiệm vụ hồi dương, thông đạt để giữ thể lực và trục cái thai chết ra ngoài. Còn Sinh khương lúc này có tác dụng “ổn cố tân dịch” và “thông khiếu phát hãn” để trục tà khí. Mặt khác cũng cần giải thích thêm câu: “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử”. Câu này chỉ đúng với trường hợp đau bụng ở thể hàn hoặc do khí nghịch thôi, còn cái đau bụng của động thai là chuyện khác. 
Nghe xong, Tổng giám thị gật gù tâm đắc và nói:
- Tôi không thể lĩnh hội lời anh giảng giải, tuy nhiên đã hiểu được cơ bản xem mạch là gì. Bây giờ muốn anh giảng tiếp vấn đề tiếp theo của việc xem mạch, đó là kê đơn thuốc. Đồng thời lý giải: Tại sao cùng một thời điểm, một chứng bệnh trong một bệnh nhân, nhưng gặp mỗi thầy lại ra một phương thuốc khác nhau?
- Vâng, thưa Ban: Nguyên tắc kê đơn thuốc dựa trên những cơ sở phương pháp luận được tóm tắt như sau:
Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh thông qua tứ chẩn: “vọng”, “văn”, “vấn”, “thiết”, có thể tham khảo kết quả xét nghiệm, chụp chiếu (cận lâm sàng), rồi căn cứ vào bát cương (tám cương lĩnh trong luận trị). Thế rồi căn cứ vào tính dược của các vị thuốc, phương pháp phối ngũ giữa các vị thuốc và căn cứ vào sự tương ố (sự ghét nhau giữa các vị thuốc), tương uý (sự sợ nhau giữa các vị thuốc), tương kỵ (sự kỵ nhau giữa các vị thuốc), tương phản (sự phản nhau giữa các vị thuốc) để biện chứng và kê đơn thuốc. Phương pháp kê đơn thuốc như trên gọi là: “Biện chứng lập phương” (tức là căn cứ theo chứng bệnh rồi dựa trên cơ sở trình độ, kiến thức y dược của mình mà xây dựng phương thuốc điều trị).
Đối với bệnh nhân có nhiều chứng bệnh thì thường là kê đơn chữa bệnh chính mang tính nguy cấp trước, rồi lần lượt chữa các chứng bệnh còn lại. Với thầy thuốc cao tay, giàu kinh nghiệm có thể dùng biện pháp “xuyên phương” (sử dụng nhiều phương thành một phương tổng hợp) để điều trị tổng thể.
 Nếu người thầy thuốc không đủ năng lực về kiến thức y dược để thực hiện phương pháp “biện chứng lập phương” thì có thể dùng các bài thuốc lập thành sẵn có, liệt kê trong sách, thường gọi là các bài thuốc “cổ phương”; hoặc dựa vào bài thuốc kinh nghiệm có sẵn của người khác đã được thông qua nhiều lần điều trị có kết quả; sau đó thêm bớt một số vị thuốc cho phù hợp với thể trạng hiện tại của bệnh nhân (việc thêm bớt phải tránh sự tương ố, tương uý, tương kỵ, tương phản giữa các vị thuốc).
Trong sách Dược lý đã có danh mục “Thập cửu uý”, “Thập bát phản” (tức là 19 cặp vị thuốc sợ nhau và 18 cặp vị thuốc phản nhau). Nếu trong một thang thuốc có các vị tương uý, tương phản thì không có hiệu nghiệm và có thể gây tai biến cho bệnh nhân.
Nếu không có năng lực phân biệt sự tương kỵ, tương phản,... của các vị thuốc thì lập lại nguyên vẹn bài thuốc có sẵn. Đó là phương pháp chung để kê đơn điều trị cho một bệnh nhân. Còn để xây dựng một bài thuốc hoàn tán thành phẩm điều trị cho nhiều bệnh nhân có sự giống nhau về một chứng bệnh thì không thể chỉ dừng lại ở đó. Bởi vì, cùng chung một bệnh (có triệu chứng giống nhau) nhưng người thì thuộc thể hàn, người thì thuộc thể nhiệt, người thì thuộc thể hư, người thì thuộc thể thực.... Tóm lại là có tám thể khác nhau và ngược nhau (âm, dương, hàn, nhiệt, hư, thực, biểu, lý). Phải sao tẩm, chế biến cho hợp lý với nhu cầu.
Cái hay của thầy thuốc là tìm được phương thuốc sao cho dễ kiếm, rẻ tiền mà công hiệu cao, đồng thời khéo sao tẩm để tăng cường hiệu quả của dược liệu (gần như việc chọn thực phẩm để chế biến món ăn cho ngon và cả sự tận tụy khéo léo của người nấu).
- Tại sao thầy thuốc kê đơn lại muốn ấn định nơi bệnh nhân mua thuốc? - Ông Tổng giám thị hỏi tiếp.
- Là vì dược liệu có hàng ngàn loại, mỗi thầy thuốc thường chỉ dùng một số dược liệu theo sở thích, kinh nghiệm và thói quen của mình. Vì vậy tại nơi bán thuốc theo đơn của mình, người thầy thuốc yêu cầu trang bị những dược liệu mình thường dùng và yêu cầu bào chế theo đúng ý mình (thường mỗi phòng thuốc chỉ trang bị chừng 300 vị thuốc trở lại). Nếu bệnh nhân cầm đơn đi mua ở phòng thuốc khác thì thường thiếu vị và phương pháp bào chế thuốc không đúng với ý của thầy thuốc kê đơn. Điều đó dẫn đến kết quả điều trị không hoàn hảo, ảnh hưởng đến uy tín của người kê đơn! 
Ông Tổng giám thị hài lòng nói:
- Tôi đã bị cuốn hút và hâm mộ y học cổ truyền rồi đấy! Tôi thầm nghĩ thế này: Trời phú cho sở trường y thuật và mát tay phục dược không chỉ là sở hữu của anh mà là của cả cộng đồng. Tôi đã nghiên cứu chi tiết về hồ sơ của anh rồi tham khảo dư luận và thấy rằng: Việc mắc vào vòng lao lý của anh không thuộc phạm trù đạo đức y nghiệp mà chỉ là những sơ xuất về văn bản kinh tế, có thể nói đó là “tai nạn nghề nghiệp”. Mặt khác, anh đã được xét xử và có quyết định được lao động tự giác của Cục Quản lý trại giam.
Ông tổng giám thị nhìn mấy vị dưới quyền nhấn mạnh:
- Từ nay, chúng tôi sẽ chuyển anh về Trung tâm y tế của trại giam và tạo điều để anh khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, anh phải tuân thủ sự quản lý điều hành của cán bộ y tế. Ngoài giờ, anh vẫn phải vào phòng giam theo quy chế cải tạo giam giữ và chấp hành sự quản lý của cán bộ quản giáo. Bản tính của thầy thuốc là rất cẩn trọng, tuy nhiên tôi vẫn phải dặn anh một điều là: Phải hết sức cẩn thận ở ngoài xã hội. Khi cứu vãn một sinh mệnh vẫn mang quan điểm “còn nước còn tát”. Nhưng trong hoàn cảnh của anh thì lại khác. Phải biết điểm dừng khi thấy tiên lượng không tốt. Bởi làm phúc thường hay phải tội!
- Vâng! Cảm ơn Ban rất nhiều. Tôi xin khắc sâu lời căn dặn của Ban.
Tags:
Tin liên quan
Giỏ hàng của tôi (0)